Doanh nghiệp

Chứng quyền là gì? Vì sao chứng quyền Vinfast tăng ấn tượng 1.200% chỉ trong 3 tuần?

Hồ Nga 07/09/2023 05:23

Dù sản phẩm chứng quyền ra đời tại Việt Nam từ khoảng năm 2019 nhưng hầu hết nhà đầu tư Việt vẫn chưa biết nó là gì.

Từ pha tăng 1.200% đầy ấn tượng của chứng quyền Vinfast: Đây là 3 điều cơ bản nhất bạn cần biết về môn đầu tư siêu khó nhằn

Nhịp tăng 1.200% của chứng quyền VFSWW của Vinfast đã làm xiêu lòng bất kỳ nhà đầu tư nào dù thờ ơ nhất. Tuy vậy, chứng quyền là gì? Trên thế giới, chứng quyền không có gì lạ lẫm. Đây là một sản phẩm tài chính được rất hình thành, phát triển, sử dụng từ rất nhiều năm. Chính vì thế, ngay khi niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, Vinfast không chỉ có mã cổ phiếu VFS mà "đính kèm" còn có mã chứng quyền VFSWW. Chữ W viết tắt của chữ Warrant tức Chứng quyền.

Trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 8, cổ phiếu VFS của Vinfast giảm rất sâu về sát mức giá mở phiên ngày chào sàn Nasdaq sau khi tạo lập đỉnh cao. Tuy vậy, mã chứng quyền VFSWW vẫn giữ mức tăng 1.200% so với thời điểm chào sàn. Vậy, chứng quyền thực sự là gì?

Chứng quyền là gì?

Dù sản phẩm chứng quyền ra đời tại Việt Nam từ khoảng năm 2019 nhưng hầu hết nhà đầu tư Việt vẫn chưa biết nó là gì.

Về mặt lý thuyết chung, chứng quyền (warrant) là một loại chứng khoán cho phép người nắm giữ có quyền mua cổ phiếu cơ sở (cổ phiếu phổ thông) của doanh nghiệp phát hành với mức giá cố định gọi là giá định trước (giá thực hiện) cho đến ngày đáo hạn. Mục đích chính của việc nắm giữ chứng quyền là việc cho phép người sở hữu được mua các cổ phiếu của doanh nghiệp theo mức giá được ấn định trước đó, cho dù có thay đổi nào về thị trường hay giá trị, những biến động của công ty, ở đây người nắm giữ (holder) đặt cược vào sự tính toán của mình trước biến động giá trị thị trường hơn là đặt cược vào triển vọng của doanh nghiệp đó như việc mua cổ phiếu.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, tất cả các chứng quyền đang được giao dịch trên thị trường đều là Chứng quyền có bảo đảm (Covered warrant – CW). Chứng quyền có đảm bảo là một loại chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành và có đặc điểm tương tự như một hợp đồng quyền chọn. Nhà đầu tư giữ chứng quyền được quyền mua (đối với chứng quyền mua) chứng khoán cơ sở tại một mức giá đã được xác định trước (giá thực hiện) tại một thời điểm đã được ấn định trước (ngày đáo hạn) (trường hợp thanh toán bằng chứng khoán cơ sở), hoặc nhận khoản tiền thanh toán là chênh lệch giữa giá thực hiện và giá thanh toán tại ngày đáo hạn (trường hợp thanh toán bằng tiền). Mỗi chứng quyền luôn gắn liền với 1 mã chứng khoán cơ sở để làm căn cứ xác định lãi/lỗ vào ngày đáo hạn.

Tại Việt Nam, thời gian đầu và cho đến thời điểm hiện tại chỉ có chứng quyền mua với tài sản cơ sở là cổ phiếu và thanh toán bằng tiền. Sau khi phát hành, các chứng quyền được niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và được đảm bảo thanh khoản bởi nhà tạo lập thị trường là tổ chức phát hành.

Vì sao chứng quyền hấp dẫn?

Từ trường hợp của Chứng quyền Vinfast (mã chứng quyền: VFSWW), có thể thấy, chứng quyền là một sân chơi rất hấp dẫn với nhà đầu tư toàn cầu. Có rất nhiều lý do khiến chứng quyền hấp dẫn như:

  • Giá rẻ. Giá chứng quyền là khoản chi phí mà nhà đầu tư phải bỏ ra để sở hữu chứng quyền. Vì nó là mức phí nên nó rất rẻ hay nói đúng hơn là rất thấp.
  • Mức độ đòn bẩy cao. Điểm thú vị của chứng quyền có bảo đảm là nhà đầu tư không được giao dịch ký quỹ tức phải bỏ tiền tươi thóc thật ra để mua chứng quyền. Nhưng, chứng quyền lại là sản phẩm được thiết kế với tính chất đòn bẩy cao, có mức lãi gấp nhiều lần so với vốn bỏ ra. Đồng thời, chứng quyền cũng xác định được ngay từ đầu mức lỗ tối đa (bằng đúng chi phí bỏ ra ban đầu đề mua CW) nên cũng giúp nhà đầu tư kiểm soát được rủi ro.
  • Chi phí giao dịch thấp. Do giá mua chứng quyền thấp nên thực tế chi phí giao dịch bỏ ra rất thấp.
  • Tiềm năng tăng giá cao, mức lỗ giới hạn.
  • Không giới hạn room sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Từ pha tăng 1.200% đầy ấn tượng của chứng quyền Vinfast: Đây là 3 điều cơ bản nhất bạn cần biết về môn đầu tư siêu khó nhằn

Lấy ví dụ ở ảnh trên là các thông số cơ bản về 6 mã chứng quyền liên quan đến cổ phiếu HDB của ngân hàng HDBank đang được niêm yết và giao dịch trên HoSE. Nhìn vào diễn biến giao dịch có thể thấy, cả 6 mã chứng quyền gồm CHDB2301, CHDB2302, CHDB2303, CHDB2304, CHDB2305, CHDB2306 đều do chứng khoán KIS phát hành. Để được phát hành các chứng quyền này, ít nhất, khi đăng ký phát hành với UBCKNN hay HoSE thì chứng khoán KIS phải có cổ phiếu cơ sở là HDB của HDBank làm tài sản đảm bảo cho các chứng quyền.

Giá của chứng quyền biến động theo cung-cầu trên thị trường. Thông thường, nhà đầu tư sẽ phân tích các yếu tố như diễn biến giá cổ phiếu cơ sở (tức cổ phiếu HDB) và các phép tính như tỷ lệ chuyển đổi chứng quyền lấy cổ phiếu, điểm hòa vốn, giá thực hiện, ngày đáo hạn...để quyết định đầu tư vào chứng quyền hay không.

Ở ví dụ trên có thể hiểu như thế này: CTCK KIS phát hành chứng quyền có đảm bảo mã CHDB2305 dựa trên chứng khoán cơ sở là HDB, giá một chứng quyền CHDB2305 chốt phiên giao dịch hôm nay (6/9/2023) là 770 đồng/CW, tỷ lệ thực hiện 3,5:1 (Nhà đầu tư sở hữu khoảng 3,5 CW được quyền mua 1 cổ phiếu HDB). Chứng quyền này có giá thực hiện là 18.470 đồng. Điều này có nghĩa là, tính cả phí mua chứng quyền (770 đồng/chứng quyền), tỷ lệ chuyển đổi 3,5 chứng quyền đổi 1 quyền mua cổ phiếu ở giá 18.470 đồng trong tương lai thì cổ phiếu HDB cần tăng lên ít nhất là 21.160 đồng ((=18.470 đồng+(3,5 chứng quyền*770 đồng)) thì nhà đầu tư sẽ hòa vốn. Nếu cổ phiếu HDB tăng vượt 21.160 đồng lên ví dụ như 25.000 đồng/cổ phiếu thì nhà đầu tư sẽ lãi đậm khi chứng quyền sẽ tăng mạnh theo. Thông thường, nếu đạt giả thiết HDB tăng lên 25.000 đồng/cổ phiếu thì chứng quyền CHDB2205 sẽ tương ứng tăng lên khoảng 2.200 đồng. Lúc này, nhà đầu tư mua chứng quyền CHDB2205 tại thời điểm hiện tại có thể đạt lợi nhuận 280%. Trong khi đó, nhà đầu tư mua cổ phiếu HDB ở giá 17.200 đồng hiện tại, trong tương lai nếu cổ phiếu tăng lên 25.000 đồng thì nhà đầu tư đạt lợi nhuận khoảng 45%.

Ngoài ra cũng phải nhìn thấy một điều là, giả ví dụ như nhà đầu tư bỏ ra 17,2 triệu đồng để mua 1.000 cổ phiếu HDB thì mức thuế, phí giao dịch chưa kể đến lãi suất sẽ khoảng 300.000 đồng. Trong khi đó, nếu nhà đầu tư muốn đặt cược cho khoản tương ứng 1.000 cổ phiếu HDB thông qua việc mua chứng quyền CHDB2305 thì sẽ chỉ cần bỏ ra khoản vốn khoảng 3,5*770*1000=2,7 triệu đồng. Với số vốn rất bé, nhà đầu tư cũng chỉ cần trả thuế, phí giao dịch rất bé.

Kết quả trên cho thấy nhà đầu tư sẽ có được tỷ suất sinh lời vượt trội nếu biết tận dụng công cụ CW. Đó cũng chính là “tính đòn bẩy” - đặc điểm cơ bản và ưu việt của sản phẩm này. Và đó cũng là lý do vì sao những nhà đầu tư yêu thích cổ phiếu VFS của Vinfast sẵn sàng chi tiền để mua chứng quyền khi không thật sự sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn mua cổ phiếu VFS.

Tuy vậy, khi tham gia sân chơi đòn bẩy cao này, nhà đầu tư cũng cần chú ý rất nhiều yếu tố rủi ro. Bài viết sau chúng tôi sẽ chỉ ra cho nhà đầu tư những "gót chân Asin" của chứng quyền.

Bất ngờ với chứng quyền Vinfast: Đã tăng 1.200% dù cổ phiếu VFS "cài số lùi"

Cổ phiếu VFS của Vinfast "thủng" mốc 25 USD, chứng quyền vẫn gây sốc

Bất ngờ với chứng quyền Vinfast: Đã tăng 1.200% dù cổ phiếu VFS "cài số lùi"

Chứng quyền của Vinfast chưa đến 1 đô la, nhà đầu tư Việt có cơ hội sở hữu?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tu-pha-tang-1200-day-an-tuong-cua-chung-quyen-vinfast-day-la-nhung-dieu-co-ban-nhat-ve-san-pham-dau-tu-co-the-tao-ra-sieu-loi-nhuan-ma-ban-can-biet-199361.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chứng quyền là gì? Vì sao chứng quyền Vinfast tăng ấn tượng 1.200% chỉ trong 3 tuần?
POWERED BY ONECMS & INTECH