Kiến thức

Chủng virus kinh hoàng từng khiến 3 triệu người chết trong 1 năm, được WHO liên tục cảnh báo: Có mặt ở 100% tỉnh Việt Nam, đến nay vẫn chưa có thuốc chữa

Như Ý 28/08/2024 23:41

Đây được xem là căn bệnh thế kỷ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như tâm lý của người mắc bệnh.

Nhắc tới HIV, có lẽ không ít người cảm thấy sợ hãi và rùng mình. Đây được biết đến là một hội chứng gây suy giảm miễn dịch ở người do nhiễm phải virus HIV (Human Immunodeficiency Virus). Virus này thuộc họ Retroviridae, có vật chất di truyền là RNA một sợi dương có áo ngoài. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus HIV sẽ tấn công và tiêu diệt các tế bào miễn dịch quan trọng như đại thực bào và lympho bào T, khiến hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng. Điều này mở đường cho các vi khuẩn, virus và nấm gây bệnh khác xâm nhập và phát triển.

Miền nam Cameroon (Châu Phi) được xác định là nơi khởi nguồn của virus HIV từ các loài linh trưởng địa phương vào đầu thế kỷ 20. Các loài linh trưởng này mang virus SIV - một loại virus tương tự HIV nhưng chỉ lây nhiễm ở động vật. Các nghiên cứu chứng minh virus này đã tồn tại trong tự nhiên từ khoảng 32.000 năm trước.

Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau để giải thích nguồn gốc của virus HIV. Trong đó, giả thuyết được nhiều người chấp nhận nhất là "thợ săn bị thương". Người dân ở Châu Phi từ lâu đã có thói quen săn bắt động vật hoang dã, trong đó có các loài linh trưởng như tinh tinh. Khi săn bắn, họ có thể bị thương và tiếp xúc với những con tinh tinh nhiễm virus SIVcpz. Qua những vết thương hở, virus này đã xâm nhập vào cơ thể người, đánh dấu khởi đầu của đại dịch HIV/AIDS.

Từ những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, các bác sĩ và nhà nghiên cứu y học nhận ra một căn bệnh mới đang lan rộng, gây suy giảm miễn dịch nghiêm trọng ở những người nhiễm. Đến năm 1981, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ công bố báo cáo về năm trường hợp viêm phổi Pneumocystis carinii ở các nam giới đồng tính ở Los Angeles. Đây là lần đầu tiên AIDS (Acquired Immunodeficiency Syndrome) được ghi nhận trên y văn.

HIV được coi là căn bệnh thế kỷ của nhân loại. Ảnh: Internet

HIV được coi là căn bệnh thế kỷ của nhân loại. Ảnh: Internet

Năm 1983, hai nhóm nghiên cứu độc lập, một ở Pháp do Luc Montagnier dẫn đầu tại Viện Pasteur và một ở Hoa Kỳ do Robert Gallo dẫn đầu, đã phát hiện ra virus HIV là nguyên nhân gây ra AIDS. Phát hiện này mở đường cho các nghiên cứu về cơ chế hoạt động của virus và phát triển các biện pháp điều trị.

Trong thập niên 1980, HIV/AIDS đã nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến nhiều quốc gia. Từ những ngày đầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo và đưa ra các biện pháp đối phó với HIV/AIDS. Vào năm 1988, WHO công nhận Ngày Thế giới phòng chống AIDS là ngày 1/12 hàng năm. Đây trở thành ngày nâng cao nhận thức về sức khỏe toàn cầu, thể hiện sự ủng hộ đối với những người đang sống chung với căn bệnh HIV/AIDS và để tưởng nhớ những người đã chết vì căn bệnh này. Sự kiện này vẫn được duy trì cho đến ngày nay.

WHO và các tổ chức về y tế trên thế giới từng đưa ra nhiều cảnh báo về căn bệnh này. Ảnh: Internet

WHO và các tổ chức về y tế trên thế giới từng đưa ra nhiều cảnh báo về căn bệnh này. Ảnh: Internet

Trong thế kỷ XXI, WHO vẫn nỗ lực tuyên truyền, đề cao vai trò của cộng đồng trong mục tiêu "xóa sổ" HIV trên toàn cầu. Tổ chức này cũng đã thực hiện nhiều chiến dịch và hoạt động tuyên truyền nhằm ngăn chặn sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Kỳ thị và phân biệt đối xử là một trong những rào cản lớn nhất đối với việc phòng ngừa, điều trị và hỗ trợ người nhiễm HIV và WHO đã nhận thức rõ điều này từ những ngày đầu của dịch bệnh.

Theo ước tính của Chương trình Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), đỉnh điểm của đại dịch xảy ra vào năm 2004. Trong năm đó, ước tính có khoảng 3 triệu người trên toàn thế giới tử vong do các nguyên nhân liên quan đến AIDS. Thời điểm ấy, số phụ nữ nhiễm HIV cũng tăng lên mức 47%.

Cũng theo UNAIDS, tính đến cuối năm 2021, số người nhiễm HIV trên toàn cầu lên đến 38,4 triệu người. Cũng trong năm 2021, trên toàn thế giới có thêm 1,5 triệu người nhiễm mới HIV và 650.000 người tử vong liên quan đến AIDS. Đây vẫn là một trong những căn bệnh gây ám ảnh, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu.

Năm 2015, Liên Hợp Quốc đã đặt ra mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, thế giới đã tập trung vào việc thực hiện chiến dịch 95-95-95. Trong đó, 95% người nhiễm HIV cần biết tình trạng của mình, 95% trong số đó cần được điều trị và 95% người được điều trị có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Đáng mừng là nhiều quốc gia đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu này, đưa thế giới tiến gần hơn đến một tương lai không còn HIV/AIDS.

Tại Việt Nam, căn bệnh thế kỷ này cũng xuất hiện và trở thành một đại dịch nguy hiểm, có sức tàn phá khủng khiếp. Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiễm HIV đầu tiên ở TP. HCM vào năm 1990. Tính đến tháng 6/2015, số người nhiễm HIV còn sống là 227.144 người, trong đó có 71.115 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 74.442 người đã tử vong do căn bệnh này. Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, căn bệnh thế kỷ đã xâm nhập vào 100% số tỉnh và hơn 80% số xã, phường, thị trấn trên cả nước, cho thấy mức độ lan rộng của đại dịch.

Đầu những năm 2000, dịch HIV tại Việt Nam bùng phát dữ dội. Từ con số 10.000 người nhiễm vào năm 2000, chỉ đến năm 2006-2007, số người nhiễm mới đã tăng lên gấp ba lần. Điều đáng báo động là phần lớn những người nhiễm HIV là những người trẻ tuổi, trong độ tuổi lao động và là trụ cột của gia đình, khiến đại dịch trở thành một mối đe dọa lớn đối với sự phát triển của đất nước.

WHO tuyên truyền cộng đồng không nên kỳ thị người nhiễm HIV. Ảnh: Internet

WHO tuyên truyền cộng đồng không nên kỳ thị người nhiễm HIV. Ảnh: Internet

Hiện tại, những loại thuốc điều trị kháng virus (ARV) đã được áp dụng giúp kiểm soát, ngăn chặn sự nhân lên của virus và duy trì sức khỏe của người nhiễm HIV. Các loại thuốc này giúp giảm tải lượng virus trong cơ thể xuống mức rất thấp, thậm chí không phát hiện được, giúp người bệnh có thể sống khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ gần như người bình thường.

Mặc dù ARV không chữa khỏi HIV nhưng nếu tuân thủ điều trị đều đặn, người nhiễm bệnh có thể ngăn chặn sự phát triển của bệnh, giảm nguy cơ lây truyền cho người khác. Nghiên cứu vẫn đang tiếp tục để tìm ra cách chữa trị hoàn toàn HIV nhưng cho đến nay chưa có phương pháp nào có thể loại bỏ hoàn toàn virus khỏi cơ thể.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam có khoảng 242.000 người nhiễm HIV đang còn sống. Hành trình 30 năm qua là những năm tháng đầy gian nan nhưng cũng rất ý nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS. Với sự chung tay của cả cộng đồng, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể và đang từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu chấm dứt hoàn toàn dịch bệnh vào năm 2030.

>> Nóng: Virus mới vượt khả năng giám sát và biến đổi nhanh hơn dự đoán, WHO phát động chiến dịch toàn cầu

WHO: Gần 1,8 tỷ người trưởng thành 'đối mặt' với bệnh nguy hiểm vì lười vận động

WHO chính thức cảnh báo loại bột trắng có trong phấn rôm có khả năng gây ung thư

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/chung-virus-kinh-hoang-tung-khien-3-trieu-nguoi-chet-trong-1-nam-duoc-who-lien-tuc-canh-bao-co-mat-o-100-tinh-viet-nam-den-nay-van-chua-co-thuoc-chua-d131658.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Chủng virus kinh hoàng từng khiến 3 triệu người chết trong 1 năm, được WHO liên tục cảnh báo: Có mặt ở 100% tỉnh Việt Nam, đến nay vẫn chưa có thuốc chữa
POWERED BY ONECMS & INTECH