WHO: Gần 1,8 tỷ người trưởng thành 'đối mặt' với bệnh nguy hiểm vì lười vận động
Lười vận động khiến chúng ta tăng nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 1/3 người trưởng thành trên toàn thế giới không đáp ứng được mức hoạt động thể chất giống như khuyến nghị. Con số này đạt đến 31%, nghĩa là khoảng 1,8 tỷ người trưởng thành xếp trong danh sách này.
Nghiên cứu nói trên được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ WHO cùng đồng nghiệp của họ và được công bố trên tạp chí The Lancet Global Health. Theo đó, nghiên cứu thể hiện sự lo ngại về việc người trưởng thành lười vận động, tình trạng này đã tăng khoảng 5% từ năm 2010 đến năm 2022. Người không vận động đủ tăng 23% vào năm 2000 và 26% vào năm 2010. Đối tượng này dễ có nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm, điển hình là bệnh tim, tiểu đường type II, đột quỵ, ung thư, chứng mất trí...
Theo quan điểm của Tổng Giám đốc WHO - tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tình trạng này ảnh hưởng tới mục tiêu giảm ung thư, bệnh tim mạch của tổ chức. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần cam kết tăng mức độ hoạt động thể chất.
Theo thống kê, tỷ lệ người không vận động thể chất cao nhất trên thế giới được ghi nhận ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (48%), Nam Á (45%). So với các khu vực khác, mức độ này ở các nước phương Tây chỉ ở mức 28%, ở châu Đại Dương là 14%.
Đáng báo động hơn, tỷ lệ này còn có sự chênh lệch ở giới tính và độ tuổi. Trên toàn cầu, phụ nữ có xu hướng ít vận động hơn nam giới, với tỷ lệ lần lượt là 34% và 29%. Thậm chí ở một số quốc gia, khoảng cách này có thể lên tới 20%. Bên cạnh đó, người cao tuổi (trên 60 tuổi) cũng có tỷ lệ không hoạt động thể chất cao hơn các nhóm tuổi khác.
Trước thực trạng này, WHO đã khuyến cáo các quốc gia tạo điều kiện, thúc đẩy hoạt động thể chất qua việc hoạt động thể thao cộng đồng. Theo khuyến cáo của WHO, người trưởng thành nên dành ít nhất 150 phút cho các hoạt động thể chất cường độ vừa phải hoặc 75 phút với các bài tập cường độ mạnh/tuần để duy trì sức khỏe. Những hoạt động thể chất cường độ vừa phải bao gồm đi bộ nhanh, lau dọn nhà cửa, đạp xe với tốc độ chậm, đánh cầu lông. Nếu muốn áp dụng hoạt động thể chất với cường độ mạnh, bạn có thể thử đi bộ đường dài, chạy bộ, đạp xe nhanh, chơi bóng đá, bóng rổ hoặc quần vợt.
Vận động thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giảm nguy cơ tử vong sớm vì mọi nguyên nhân. Khi cơ thể vận động đều đặn, thường xuyên, chúng ta sẽ tránh nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm. Chúng ta có thể tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa các bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và một số bệnh ung thư. Thói quen này cũng giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm căng thẳng, lo âu và trầm cảm, giúp ngủ ngon hơn, tăng cường năng lượng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
WHO chính thức cảnh báo loại bột trắng có trong phấn rôm có khả năng gây ung thư
WHO khuyến nghị: Hãy thưởng thức bữa ăn ngay sau khi nấu chín