Chuyện bán 3.000 cổ phiếu, bỏ túi 49 cây vàng...
Đó là câu chuyện đầu tư của một trong những cổ phiếu xi măng lên sàn sớm nhất ngành, từng có giá 260.000 đồng. Doanh nghiệp này vừa báo lãi quý III/2024 tăng bằng lần.
CTCP Xi măng Sài Sơn (Mã SCJ - UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý III với doanh thu tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (YoY), đạt 313 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp và biên lãi gộp đều giảm so với cùng kỳ. Nhờ giảm 45% chi phí tài chính nên sau khi trừ các khoản thuế phí, công ty báo lãi sau thuế 5,2 tỷ đồng - gấp 2,1 lần YoY.
Lũy kế 9 tháng, công ty nhích doanh thu vượt mốc 900 tỷ đồng; lãi ròng 7,7 tỷ - tăng 50% YoY. Dấu ấn tăng lợi nhuận chủ yếu do giảm mạnh chi phí hoạt động, trong khi hiệu quả mảng kinh doanh chính sa sút, biên lãi gộp chỉ còn 10%.
Trên bảng cân đối kế toán, Xi măng Sài Sơn ghi nhận gần 690 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Con số này chỉ tương đương 69% nợ phải trả. Tổng nợ vay tài chính ở mức 825 tỷ đồng cũng cao hơn vốn chủ. Trong khi đó, phần lớn tài sản của công ty tập trung ở hạng mục tài sản cố định, các khoản phải thu và hàng tồn kho. Lượng tiền mặt giảm 70% so với đầu năm còn 2,6 tỷ đồng.
CTCP Xi măng Sài Sơn tiền thân là Xí nghiệp Xi măng Sài Sơn được thành lập từ ngày 28/11/1958 dưới sự quản lý của Tổng Cục Hậu cần (Quân đội nhân dân Việt Nam). Đây là cơ sở sản xuất xi măng lò đứng đầu tiên và là cơ sở sản xuất xi măng thứ hai của Việt Nam sau Xi măng Hải Phòng.
Sau nhiều lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của SCJ đạt 578,4 tỷ đồng. Đây cũng là một trong số doanh nghiệp xi măng đưa cổ phiếu lên sàn sớm nhất, cùng với Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã HT1).
... Đó là một ngày cuối tháng 10/2007, cổ phiếu SCJ sau chuỗi 13/15 phiên bứt tốc đã chạm đỉnh 260.000 đồng/cp (giá sau điều chỉnh là 34.240 đồng/cp). Rộng hơn, kể từ sau thời điểm lên sàn với giá tham chiếu 82.400 đồng/cp (ngày 19/9/2007), cổ phiếu này đã tăng 216% chỉ sau 1 tháng rưỡi. Đến nay, đó vẫn là kỳ tích của một cổ phiếu ngành xi măng trong ký ức nhà đầu tư những năm đầu thế kỷ XXI.
Trước khi lên sàn, lợi nhuận của SCJ chỉ đạt gần 19 tỷ. Sau khi lên sàn, công ty có chuỗi 3 năm tăng trưởng lợi nhuận ròng và đạt đỉnh lãi 44,8 tỷ đồng năm 2009. Dù lợi nhuận giảm trở lại trong 2 năm sau đó, việc duy trì trên mức 20 tỷ đồng/năm đối với một doanh nghiệp quy mô vốn điều lệ chưa đến 200 tỷ đồng như Sài Sơn vẫn là kết quả có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, kể từ lần gần nhất lãi sau thuế trên 20 tỷ đồng (năm 2014), suốt 10 năm qua, công ty chưa từng ghi nhận mức lợi nhuận vượt 10 tỷ đồng/năm. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu này hiện có giá 3.600 đồng - giảm 90% từ mức đỉnh sau pha loãng.
Ở thời đỉnh cao, chuyện bán cổ phiếu SCJ là mua được đất - cất được nhà là hoàn toàn có thật.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán có gốc nước ngoài kể lại (với người viết): "Giai đoạn cuối năm 2007 - đầu 2008, cổ phiếu SCJ có giá hơn 200.000 đồng/cp. Một số cán bộ Nhà nước khi đó nắm giữ chỉ vài nghìn cổ phiếu. Có lần một nhà đầu tư chia sẻ với tôi rằng - phải biết ơn Sài Sơn và thị trường chứng khoán vì tôi chỉ bán 2.000 cổ phiếu SCJ đã mua được một miếng đất, sau đó bán thêm 1.000 cổ phiếu nữa là xây được một ngôi nhà giữa lòng Hà Nội".
Tạm tính, nếu bán 3.000 cổ phiếu SCJ tại mức đỉnh giá 260.000 đồng/cp, vị nhà đầu tư này có thể thu về số tiền 780 triệu đồng - tương đương 45 - 49 cây vàng SJC cùng thời điểm.
Tuy nhiên, với mức giá hiện tại, nếu bán ra lượng cổ phiếu tương tự, nhà đầu tư này chỉ có thể thu về số tiền hơn 10 triệu đồng.
>> Chuyện bán 3.000 cổ phiếu SCJ: Một nhà đầu tư mua được đất - cất được nhà