Chuyển biến pháp lý tại dự án điện khí 54.000 tỷ đồng ở Quảng Trị
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phê duyệt ĐTM cho dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 tại Quảng Trị, tổng vốn 54.000 tỷ đồng. Dự án gồm kho cảng LNG và nhà máy điện 1.500 MW, dự kiến hoàn thành và vận hành vào tháng 12/2029.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 tại xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, tổng vốn 54.000 tỷ đồng. Dự án do liên danh nhà đầu tư CTCP Tập đoàn T&T; CTCP Năng lượng Hanwha; Tổng Công ty Khí Hàn Quốc; Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc thực hiện.
Dự án gồm kho cảng LNG tiếp nhận tàu chở LNG từ 120.000 - 180.000m³, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm. Nhà máy điện công suất 1.500 MW, gồm 2 tổ máy phát điện công suất 750 MW. Diện tích mặt đất, mặt nước sử dụng là gần 185ha.
Tháng 1/2022, dự án này được khởi công. Hiện nay, liên danh nhà đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện nhiều hồ sơ, thủ tục. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Trị, dự kiến đầu năm 2026, nhà đầu tư thi công xây dựng các hạng mục công trình dự án; tháng 4/2029 xây dựng hoàn thành, vận hành chạy thử và chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 12/2029.
Phối cảnh dự án LNG Hải Lăng |
Nhà máy sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp (tuabin khí kết hợp với tuabin hơi), sử dụng nhiên liệu là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Khi hoạt động sẽ phát sinh bụi, khí thải, nước thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại trong quá trình thi công và vận hành.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường nêu rõ các biện pháp bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý chất thải. Dự án sẽ phát sinh 2,1 triệu m³ chất thải nạo vét khi thi công luồng tàu, vùng nước trước bến và vũng quay tàu, tuyến ống cấp và xả nước làm mát. Trong đó, hơn 1 triệu m³ vật chất nạo vét được tận dụng để san lấp, gần 1,1 triệu m³ khác được vận chuyển đi nhận chìm tại vùng biển thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh Quảng Trị.
ĐTM nêu ra nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động do hoạt động nạo vét và nhận chìm vật chất. Cụ thể, sử dụng tàu ngoạm gầu dây (xáng cạp), tàu hút bụng và sà lan mở đáy đúng số lượng, chủng loại, công suất, tải trọng theo hồ sơ thiết kế; nạo vét đúng ranh giới được phê duyệt.
Trên các phương tiện vận chuyển vật chất nạo vét phải bố trí khoang lắng. Nước thoát ra từ vật chất nạo vét sau khi đến khoang này được lắng chất rắn lơ lửng trước khi thoát ra ngoài, bảo đảm không làm gia tăng nồng độ chất rắn lơ lửng so với chất lượng nước biển khu vực thực hiện dự án.
Giám sát vị trí, hành trình, khối lượng đối với các phương tiện thi công nạo vét. Trên các tàu, sà lan vận chuyển có lắp đặt thiết bị AIS (thiết bị tự động nhận dạng), camera và máy ảnh để giám sát trực tiếp hành trình vận chuyển và định vị chính xác vị trí thi công.
Chủ dự án chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu việc vận chuyển vật chất nạo vét không đúng vị trí bãi chứa đã được phê duyệt hoặc thất thoát vật chất nạo vét trong quá trình vận chuyển gây ảnh hưởng môi trường.
Giám sát chất lượng nước biển theo đúng chương trình quan trắc, giám sát đã được phê duyệt để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường. Kiểm soát tác động của dự án để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các loài cá và sinh vật biển khu vực lân cận dự án.
Trong trường hợp kết quả giám sát có sự bất thường thì tạm dừng thi công, xác định nguyên nhân và có phương án khắc phục, đồng thời đưa ra biện pháp thi công điều chỉnh, đảm bảo không ảnh hưởng đến các hệ sinh thái trong khu vực.
>> 'Siêu dự án' điện khí LNG Hải Lăng hơn 2,3 tỷ USD ở Quảng Trị hiện ra sao?
'Siêu dự án' điện khí LNG Hải Lăng hơn 2,3 tỷ USD ở Quảng Trị hiện ra sao?
Trước năm 2030, siêu dự án điện khí LNG hơn 2 tỷ USD của bầu Hiển sẽ hoàn thành