Siêu dự án LNG trọng điểm của Việt Nam - Hàn Quốc gần 54.000 tỷ đồng bổ sung một hạng mục vô cùng quan trọng
Dự án nằm trong khu phức hợp năng lượng của khu kinh tế lớn nhất tỉnh với diện tích sử dụng đất khoảng 148ha.
Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ngày 18/10, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị, Cục Hàng hải Việt Nam và các nhà đầu tư về việc chấp thuận bổ sung quy hoạch bến cảng chuyên dùng LNG vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, bến cảng chuyên dùng cho dự án điện khí LNG Hải Lăng được phê duyệt sẽ có đê chắn sóng và luồng chuyên dùng cho tàu tải trọng 90.000 tấn.
Bộ GTVT đề nghị Quảng Trị hướng dẫn, giám sát liên danh nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai các bước tiếp theo đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Liên danh các nhà đầu tư dự án cũng được yêu cầu thực hiện các bước xây dựng theo quy định để đảm bảo đáp ứng đủ tiêu chuẩn khai thác hàng LNG và an toàn lao động, công trình bến cảng, phòng ngừa ô nhiễm...
Phối cảnh dự án Tổ hợp điện khí LNG Hải Lăng. Ảnh internet |
>> Khu ‘tam giác vàng’ giáp ranh 4 quận của TP. HCM bỏ hoang hơn 1 thập kỷ có diễn biến mới
Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021. Đây là dự án điện khí lớn nhất tại tỉnh Quảng Trị thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tại xã Hải An và xã Hải Ba, huyện Hải Lăng với diện tích sử dụng đất khoảng 148ha.
Dự án có tổng số vốn 53.668 tỷ đồng (2,32 tỷ USD) được đầu tư bởi Tổ hợp nhà đầu tư gồm: Công ty Năng lượng Hanwha Hàn Quốc (Hanwha) , Tổng công ty Khí Hàn Quốc (Kogas) , Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (Kospo) và DN Việt Nam duy nhất là Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển làm Chủ tịch HĐQT.
Vào ngày 15/1/2022, T&T Group và tổ hợp nhà đầu tư Hàn Quốc khởi công dự án giai đoạn 1, công suất 1.500MW. Dự án hoàn thành giai đoạn 1 sẽ tiếp nhận tàu chở khí hóa lỏng từ 170.000-226.000m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn khí hóa lỏng/năm; Trung tâm Điện lực Hải Lăng công suất phát điện 1.500MW.
Dự án dự kiến sẽ đi vào vận hành thương mại trong giai đoạn 2026-2027. Với quy mô lớn như vậy, đề xuất của các nhà đầu tư bổ sung bến chuyên dùng LNG, luồng chuyên dùng cho tàu đến 90.000 tấn và đê chắn sóng tại khu bến Mỹ Thủy phù hợp với quy hoạch cảng biển được duyệt và phù hợp với quy hoạch chuyên ngành công thương.
Phát biểu tại sự kiện khởi công giai đoạn 1, ông Park Noh - Wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết việc doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc cùng hợp tác đầu tư dự án có ý nghĩa vô cùng to lớn trong hợp tác giữa hai quốc gia. “Đây là dự án đặc biệt vì là dự án đầu tiên được diễn ra trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và dự án đầu tiên trong khuôn khổ ứng phó biến đổi khí hậu nằm trong hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc coi đây là một trong những chương trình dự án trọng điểm thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc".
Khi hoàn thành, dự án không chỉ góp phần đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung mà còn đóng góp vào nguồn năng lượng sạch cả nước, hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
>> Tỉnh 'sát vách' Thủ đô lưu ý đặc biệt về dự án chung cư gần 7.000 tỷ
Siêu dự án điện khí LNG 54.000 tỷ tại Quảng Trị ấn định thời gian vận hành
Tỉnh rộng nhất Việt Nam công bố thông tin quan trọng về dự án điện khí LNG tỷ USD quy mô 360ha