Lãnh đạo TP.HCM cho rằng, chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, Sở TT&TT TP.HCM và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức chương trình: Triển lãm và Hội nghị Tech4life 2023 với chủ đề “Công nghệ nâng tầm cuộc sống 2023”, vào ngày 04-05/10/2023 tại TP. HCM.
Đây là sự kiện công nghệ thường niên, được tổ chức từ năm 2022 trọng tâm hướng đến giới thiệu, cập nhật các xu hướng, sản phẩm, nền tảng giải pháp thông minh phục vụ chuyển đổi số cho các tổ chức doanh nghiệp và thông minh hóa cuộc sống của con người, với các hoạt động: Triển lãm, hội nghị, kết nối giao thương.
Phát biểu khai mạc, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, công tác chuyển đổi số của TP.HCM trong thời gian qua ngày càng được tăng tốc và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chính quyền số được lãnh đạo thành phố rất quan tâm chỉ đạo quyết liệt, bởi lẽ, chính quyền chuyển đổi số thành công nhanh thì nền hành chính sẽ hiệu quả hơn và phục vụ cho người dân, doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn.
Theo ông, TP.HCM vừa qua đón nhận 2 tin vui, đó là thành phố xếp thứ 2/63 tỉnh thành về chỉ số chuyển đổi số quốc gia; UBND TP.HCM được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á – châu Đại Dương (ASOCIO) tặng giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục chính quyền số xuất sắc.
Với thành công đó, UBND Thành phố chỉ đạo tổ chức hoạt động chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, không chỉ là 1 hoạt động riêng lẻ mà là một chuỗi các hoạt động từ cuối tháng 9 đến hết tháng 10 trên toàn địa bàn thành phố, với chủ đề: “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”.
Hội nghị hôm nay là hoạt động lớn thứ 2 trong chuỗi các hoạt động trong tháng chuyển đổi số của TP.HCM. Đây là một trong những giải pháp thúc đẩy xã hội số phát triển, giới thiệu các công nghệ mới đến đông đảo người dân, từ đó, dần hình thành nhận thức và tư duy của công dân số; đồng thời tạo cầu nối gắn kết giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – chuyên gia, trường học.
Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch TP.HCM, ngày nay, mọi khía cạnh công nghệ trở thành một phần quan trọng của cuộc sống hàng ngày, tác động tích cực đến mọi khía cạnh của người dân TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Hiểu rõ, nắm bắt cơ hội ứng dụng và sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, sẽ là yếu tố quyết định chất lượng phát triển mỗi địa phương, quốc gia..
TP.HCM có trách nhiệm thúc đẩy áp dụng công nghệ một cách thông minh, thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, đảm bảo việc ứng dụng công nghệ của thành phố phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ông Dương Anh Đức cho rằng, chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, quyết tâm của người đứng đầu. Thành phố phải làm sao để huy động được tất cả các thành phần tham gia, trong đó, vai trò của người dân là hết sức quan trọng, tất cả cùng đồng lòng để biến TP.HCM trở thành thành phố thông minh.
Ngày nay, công nghệ thuộc về thế hệ trẻ, chính vì thế thành phố mong muốn ngày càng có nhiều người trẻ tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, đưa ra các giải pháp thông minh về công nghệ để giúp xã hội phát triển.
Ông yêu cầu Sở TT&TT TP.HCM tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để nâng tầm cuộc sống của người dân thành phố.
Về chiến lược chuyển đổi số TP.HCM, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, năm 2023 là năm dữ liệu số, chính vì thế, cơ quan nhà nước tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Với TP.HCM, chuyển đổi số thì dữ liệu là quan trọng, đồng thời lấy dữ liệu làm nền tảng để phục vụ chuyển đổi số. Từ năm 2018, trong kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố đã xác định “Tận khai thác dữ liệu” là một nhiệm vụ trọng tâm và kho dữ liệu dùng chung là giải pháp thực hiện xuyên suốt trong lộ trình rút ngắn khoảng cách giữa hiện trạng về kiến trúc mục tiêu đến năm 2025.
Để thực hiện điều đó, thành phố đã triển khai một lộ trình bài bản, đưa ra các chính sách, quy trình để xử lý việc cát cứ dữ liệu của các đơn vị về kho dữ liệu dùng chung và chuyển hạ tầng rời rạc về quản lý tập trung trên nền tảng điện toán đám mây. Đồng thời, thành phố triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và cổng dữ liệu, kết nối và liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia…
Trong đó, quan trọng là TP.HCM đã ban hành sớm chiến lược quản trị dữ liệu, đồng thời tập trung phát triển các nền tảng số như: Nền tảng liên thông chia sẻ dữ liệu dùng dung; Nền tảng quản lý văn bản chuyên ngành; Nền tảng hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, kết hợp với các hệ thống thông tin chuyên ngành như đất đai xây dựng, doanh nghiệp, giao thông, văn hoá xã hội…
Bà Võ Thị Trung Trinh cho rằng, chuyển đổi số và quản trị dữ liệu là một hành trình, cần phải cải tiến phù hợp với các tiến bộ công nghệ theo thời gian. TP.HCM phải thành lập cơ quan chủ trì để thúc đẩy, điều phối và thiết kế các giải pháp nhằm cải thiện việc tích hợp và thiết kế các dịch vụ dùng chung cho toàn thành phố.
Đáng chú ý, khu triển lãm Tech4life năm nay được thiết kế theo 3 trụ cột xã hội số, kinh tế số, chính quyền số. Tại đây, khách tham quan có thể trải nghiệm các dịch vụ công của TP.HCM như bản đồ số, tổng đài 1022, các dịch vụ chuyển đổi số của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Thành phố Thủ Đức, Huyện Nhà Bè… hay các doanh nghiệp như VNG với các giải pháp đến từ VNG Digital gồm camera thông minh AI, dịch vụ VNG Cloud, True ID; Ricoh với các dịch vụ chuyển đổi số và thiết bị hội họp thông minh, thiết bị in ấn văn phòng thông minh…