Chuyển đổi số trong nền công vụ đang thay đổi văn hóa, tư duy của khu vực công
Chuyển đổi số trong nền công vụ đang định hình lại cách vận hành và tương tác với người dân; thay đổi văn hóa, quy trình và tư duy của các cơ quan trong khu vực công.
Ngày 11/10, Bộ Nội vụ tổ chức “Hội thảo quốc tế: chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số trong nền công vụ các nước ASEAN+3” với sự tham dự trực tuyến của đại diện Ban Thư ký ASEAN và các nước ASEAN+3.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch Hợp tác ASEAN+3 về các vấn đề công vụ (ACCSM+3) giai đoạn 2021-2025 của Bộ Nội vụ Việt Nam.
Định hình lại cách vận hành và tương tác với người dân
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh, ngày nay, sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của công nghệ số mới đã và đang ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động của xã hội loài người.
Chuyển đổi số là quá trình sử dụng dữ liệu và công nghệ số để cá nhân, tổ chức thay đổi tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số và các nền tảng công nghệ số.
Là xu thế tất yếu của mọi quốc gia, chuyển đổi số mang lại lợi ích từ vi mô đến vĩ mô, tác động sâu sắc ở quy mô toàn cầu, quy mô quốc gia, mỗi chính phủ đến từng doanh nghiệp, từng cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chuyển đổi số bao gồm nhiều mặt, phức tạp và nhiều thách thức.
Vì vậy để thực hiện chuyển đổi số thành công, các nước cần có sự hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế.
“Chuyển đổi số trong nền công vụ đang định hình lại cách các cơ quan trong khu vực công vận hành và tương tác với người dân. Chuyển đổi số trong nền công vụ không chỉ là về công nghệ; đó còn là việc thay đổi văn hóa, quy trình và tư duy của các cơ quan trong khu vực công để hướng đến phục vụ người dân tốt hơn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nội vụ cho biết, Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế. Năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với vai trò là thành viên của ACCSM+3, Bộ Nội vụ Việt Nam luôn tích cực chủ động chủ trì, tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch công tác ACCSM+3 giai đoạn 2021-2025.
Minh bạch hóa công tác quản lý cán bộ, công chức viên chức
Ông Nguyễn Thanh Thảo, Trưởng phòng Chính sách số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, Việt Nam xác định công cuộc chuyển đổi số có 3 trụ cột: phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số, hướng tới phát triển quốc gia số vào năm 2030.
Trong đó, trụ cột cốt lõi nhất để thực hiện tầm nhìn quốc gia số là phải phát triển Chính phủ số, hiện đại hóa nền hành chính. Từ triển khai trụ cột này, sẽ thúc đẩy kinh tế số, xã hội và hướng tới tầm nhìn quốc gia số trong tương lai.
Chính phủ Việt Nam đã phát triển và tiếp tục hoàn thiện Cổng dịch vụ công quốc gia. Trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã có khoảng 16 triệu người đăng ký sử dụng, cung cấp hơn 4.500 dịch vụ. Người dân khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính có thể sử dụng Cổng này hoặc vào trực tiếp các Cổng dịch vụ của các bộ, ngành, địa phương.
Việt Nam hiện có hơn 55% dịch vụ đã được các cơ quan trong hệ thống Chính phủ cung cấp trên môi trường số một cách hoàn chỉnh, người dân có thể đăng ký sử dụng dịch vụ và nhận kết quả mà không phải đến giao dịch trực tiếp với các cơ quan nhà nước.
Người dân, doanh nghiệp có thể làm thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội,... mà không phải đến giao dịch trực tiếp với các cơ quan nhà nước. Hay người dân có thể ngồi nhà làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe, hộ chiếu, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử…
Ngoài ra, Việt Nam phát triển ứng dụng định danh điện tử VNeID và đã cấp được hơn 78 triệu hồ sơ. Ứng dụng VNeID đã và đang tích hợp nhiều dịch vụ liên quan đến công tác quản lý nhân khẩu, người dân có thể sử dụng để thay thế các giấy tờ chứng minh về cư trú, nhân thân…
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cung cấp nhiều thông tin đáng chú ý về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức của Việt Nam.
Đến nay 100% đơn vị đã kết nối với cơ sở dữ liệu này, trong đó có 36 cơ quan Trung ương và 63 địa phương với tổng số hồ sơ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức viên chức có 2.388.741. Trong đó bộ, ngành có 264.580; địa phương có 2.124.161.
Mỗi hồ sơ của cán bộ, công chức, viên chức được cập nhật 186 trường thông tin. Trong đó, dữ liệu hồ sơ đã đối khớp với cơ sở dữ liệu dân cư là 1.091.473.
Theo ông Minh, cơ sở dữ liệu này không chỉ giúp cho việc quản lý, tổ chức khai thác, sử dụng dữ liệu đồng bộ, chính xác, thống nhất trên phạm vi toàn quốc mà còn thực hiện minh bạch hóa công tác quản lý cán bộ, công chức viên chức; góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các chia sẻ kinh nghiệm của đại diện Indonesia trong xây dựng "Chính phủ điện tử - xây dựng các dịch vụ công có khả năng thích ứng, phản ứng nhanh và linh hoạt”. Hay như kinh nghiệm về "chuyển đổi số cho tương lai sẵn sàng và các công chức nhanh nhạy" của Philippines...