'Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phải song hành cùng nhau, bổ trợ cho nhau'

07-05-2024 07:49|Khúc Văn

Theo chuyên gia, chuyển đổi xanh cần song hành với chuyển đổi số, hai quá trình chuyển đổi này không diễn ra đơn lẻ mà hợp nhất, bổ trợ cho nhau, đồng thời, đổi mới công nghệ chính là “chìa khóa” quan trọng cho quá trình “song hành” này.

Việt Nam hiện là một trong 6 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu. Trước những ảnh hưởng tiêu cực đó, môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và chuyển đổi xanh cũng trở thành xu hướng tất yếu cho sự phát triển.

Trong các doanh nghiệp, việc từng bước ‟xanh hoá" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh… đã và đang trở thành xu thế tất yếu và tạo ra lợi thế cạnh tranh.

'Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phải song hành cùng nhau, bổ trợ cho nhau'
Xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, minh bạch, rõ ràng là nhiệm vụ hàng đầu khi phát triển kinh tế xanh.

Xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, minh bạch, rõ ràng là nhiệm vụ hàng đầu

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Bên cạnh cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26, Đảng và Nhà nước cũng thể hiện quyết tâm chính trị cao thông qua Nghị quyết số 29–NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên chuyển dịch phát triển theo hướng xanh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra với Việt Nam. Bà Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẳng thắn thừa nhận, các yếu tố như thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khốc liệt, phức tạp và khó lường, thiếu hụt về tài nguyên, nguồn lực, tài chính, nhân lực và trình độ phát triển khoa học và công nghệ còn thấp; sự phát triển của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế có nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19… cũng là thách thức không nhỏ trong trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Việc nhìn nhận biết rõ được những khó khăn nêu trên vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Theo TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, để hiện thực hóa những cam kết, quyết tâm chính trị lớn của Việt Nam tại Hội nghị Biến đổi khí hậu Cop 26, điều quan trọng nhất là xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, minh bạch, rõ ràng, công khai, mang tính bao quát song cũng phải đủ, cụ thể để bảo đảm thực hiện mục tiêu.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như nghiên cứu tình hình thực tiễn, việc hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh ở Việt Nam, TS. Lê Vệ Quốc có kiến nghị một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, hiện nay các quy định về phát triển kinh tế xanh của Việt Nam còn nằm rải rác tại nhiều văn bản, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật chính thức nào quy định tổng thể, đồng bộ về chính sách phát triển “kinh tế xanh”. Do vậy, cần tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các văn bản pháp luật hiện hành về các lĩnh vực tài chính ngân hàng, thuế và phí, tài nguyên và môi trường, từ đó sớm ban hành một văn bản pháp lý quy định cụ thể, chính thức về kinh tế xanh.

Thứ hai, nghiên cứu điều chỉnh các chính sách về môi trường để phù hợp với tình hình mới, nhất là hệ thống các quy định về thuế tài nguyên, thuế môi trường. Cần thiết lập chính sách hỗ trợ cho các ngành kinh tế xanh (như giảm thuế, ưu đãi vốn, thúc đẩy nghiên cứu và nâng cao trình độ công nghệ, tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế…).

Thứ ba, nghiên cứu xây dựng tiêu chí lựa chọn những dự án đầu tư thực sự hiệu quả trong phát triển kinh tế xanh.

Thứ tư, cần sớm xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích và thúc đẩy việc nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường; chính sách về bảo đảm giá và cơ chế ưu đãi cho phát triển năng lượng tái tạo.

Thứ năm, cần sớm có hệ thống quy định pháp luật đồng bộ, thống nhất về hành vi mua sắm của Chính phủ theo hướng xanh hóa đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, qua đó hình thành thị trường mua sắm công xanh và chuỗi giá trị xanh. Hơn nữa, có thể nghiên cứu xây dựng Luật Mua sắm xanh và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới (Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch, Hàn Quốc...) để chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng hành lang pháp lý thúc đấy phát triển kinh tế xanh.

>>Tạo kỳ tích mới cho CNTT Việt Nam bằng các giải pháp bán dẫn, chuyển đổi số xanh

Đổi mới công nghệ - “chìa khóa” thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số và kinh tế xanh

Khi bàn về vấn đề này, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, chuyển đổi xanh cần song hành với chuyển đổi số, hai quá trình chuyển đổi này không diễn ra đơn lẻ mà hợp nhất, bổ trợ cho nhau.

'Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phải song hành cùng nhau, bổ trợ cho nhau'
Đổi mới công nghệ - “chìa khóa” thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số và kinh tế xanh.

“Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai chuyển đổi quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045”, ông Tuấn cho biết.

Đồng quan điểm, ông Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng, đổi mới công nghệ chính là “chìa khóa” quan trọng cho quá trình chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế xanh tại Việt Nam.

Thông qua việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng trong sản xuất. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình đổi mới này. Cụ thể, hạ tầng 5G còn hạn chế, nguồn nhân lực công nghệ mới chỉ có khoảng 500.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong khi nhu cầu cần tới 1 triệu vào năm 2025; gần 77% lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo sơ cấp. Quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực công nghệ hạn chế: hơn 97% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; khoảng 70% doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình.

Không những thế, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho công nghệ xanh, công nghệ số do thị trường vốn cho các dự án công nghệ xanh như trái phiếu xanh, chứng khoán xanh mới ở giai đoạn sơ khai. Kết nối và chia sẻ dữ liệu còn hạn chế: gần 80% dữ liệu nằm rải rác ở các Bộ, ngành.

“Mới chỉ có khoảng 30% đơn vị hành chính công cung cấp dữ liệu mở. Rủi ro an ninh mạng gia tăng, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược ứng phó. Khoảng cách kinh tế số, kinh tế xanh giữa các địa phương còn xa, trong đó các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng chiếm 70% doanh nghiệp công nghệ số và các dự án năng lượng sạch, sản xuất sạch tập trung chủ yếu ở miền Nam và miền Trung”, ông Hoàng chia sẻ.

Do vậy, ông Hoàng kiến nghị, trong thời gian tới Việt Nam cần chú trọng thực hiện tăng cường đầu tư, hỗ trợ công nghệ thông qua tăng đầu tư cho nghiên cứu - phát triển công nghệ mới; ưu đãi về vốn, thuế cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ.

Ngoài ra cần tăng cường kết nối, liên kết thông qua thúc đẩy liên kết giữa viện - trường - doanh nghiệp; Xây dựng các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách thông qua hoàn thiện khung pháp lý, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho đổi mới công nghệ; xây dựng hệ thống quản lý, chia sẻ dữ liệu quốc gia; tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ và an ninh mạng.

Việt Nam cũng cần ưu tiên nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo, nâng cao kỹ năng số, kỹ năng sáng tạo, làm chủ công nghệ mới; Xây dựng các trung tâm đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ số, công nghệ xanh và hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao.

>>Việt Nam sắp có khu kinh tế xanh đầu tiên hơn 20.000ha?

Vùng đất sắp trở thành 'sếu đầu đàn' về kinh tế số, người dân sẽ có thu nhập đến 420 triệu đồng/năm

Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024 đặt trọng tâm thúc đẩy kinh tế số

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-doi-xanh-chuyen-doi-so-phai-song-hanh-cung-nhau-bo-tro-cho-nhau-233583.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phải song hành cùng nhau, bổ trợ cho nhau'
    POWERED BY ONECMS & INTECH