Chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu EVFTA: Thách thức mới của doanh nghiệp dệt may Việt
Việc xanh hóa sản phẩm để đáp ứng với các tiêu chuẩn của các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt.
Việt Nam đã thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong 4 năm qua. Thế nhưng EU liên tục có các chính sách, quy định mới nghiêm ngặt liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, trong đó có Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP) như một phần của Chiến lược Thỏa thuận Xanh châu Âu… đã đặt doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào thách thức mới.
Doanh nghiệp đã chủ động ứng phó với các tiêu chuẩn xanh hoá dệt may. |
Doanh nghiệp đã chủ động ứng phó
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, sau 4 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), kim ngạch xuất khẩu của May Hưng Yên tăng gấp đôi, từ 20 triệu USD lên khoảng 40 triệu USD.
“Tuy nhiên, xét về tỷ lệ giá trị tuyệt đối lại “chưa lớn”. Điều này, chúng ta đều biết rồi, ngành dệt may phải đối mặt với vấn đề về xuất xứ. Nếu như không đạt được yêu cầu về xuất xứ thì không thể thực hiện vào EU theo EVFTA và hưởng lợi về thuế quan được”, ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, thời gian qua các nguồn nguyên liệu nhập khẩu hầu hết từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước khác không thuộc EVFTA. Đây chính là một thách thức rất lớn.
Tuy nhiên, ông cho rằng đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội.
Đưa ra dẫn chứng về khía cạnh kinh tế khi đạt được tiêu chuẩn xanh, ông Dương cho rằng: ít nhất mỗi tháng mỗi doanh nghiệp có thể thu lợi được khoảng từ năm trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng. Cả hệ thống 13 doanh nghiệp sẽ là một con số đáng kể.
Nhận định rõ điều đó, lãnh đạo may Hưng Yên cho biết, đơn vị đã lập tức thay đổi theo yêu cầu của thị trường.
“Chúng tôi đã có định hướng và buộc chuyển đổi tất cả các lò hơi nước rẻ đốt than ngày trước thành lò hơi điện. Tất nhiên tiền điện có thể tăng nhưng giảm được các chi phí về nhân công phục vụ cho cả hệ thống những lò hơi nước đó”, ông Dương nói.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng tính đến việc đầu tư năng lượng điện mặt trời trên hệ thống điện áp mái trên tất cả nhà xưởng. Lúc đó, công ty có thể chủ động từ 80-100% điện cho doanh nghiệp, cũng tránh được nguy cơ bị cắt điện luân phiên thường xuyên như thời gian vừa rồi.
TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, rất nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã thực hiện, có thể chưa gọi là một cách hoàn chỉnh nhưng đã có những giải pháp từng bước một để hoàn thiện quy trình sản xuất của mình theo kinh tế tuần hoàn, từ khâu thiết kế cho đến quy trình công nghệ sản xuất, thay đổi thiết bị…
Theo TS. Mai Thanh Dung, Luật bảo vệ môi trường được ban hành từ năm 2020 và trong đó có những quy định về kinh tế tuần hoàn, cho nên chưa cần phải đến chờ đợi đến Kế hoạch hành động quốc gia thì thực tế các doanh nghiệp đã triển khai áp dụng các biện pháp hướng tới tuần hoàn trong quy trình sản xuất của mình mang lại được những hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, quy định về kinh tế tuần hoàn trong Luật bảo vệ môi trường mang nặng về khuyến khích chứ không phải là bắt buộc, nên có những doanh nghiệp thực hiện được nhưng cũng có những doanh nghiệp lại không thực hiện được.
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi hướng đến kinh tế tuần hoàn, khó khăn lớn nhất, theo TS. Mai Thanh Dung có lẽ là vốn đầu tư. Doanh nghiệp mạnh về tài chính có thể thực hiện được ngay, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì nguồn lực tài chính không đủ để có thể thực hiện ngay, mà thực hiện về cơ bản những giải pháp theo hướng kinh tế tuần hoàn trong quy trình sản xuất của mình.
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ. |
Khó khăn thứ hai liên quan đến tư duy, suy nghĩ trong nếp sản xuất của doanh nghiệp. Theo TS. Mai Thanh Dung, nhiều doanh nghiệp đôi khi hay bỏ những công đoạn này, bỏ những công đoạn kia để tiết giảm các chi phí nhân công... Trong khi châu Âu họ luôn đặt ra quy trình bài bản rất đầy đủ và rất chi tiết, cụ thể.
Song, bên cạnh sự chủ động và nỗ lực của doanh nghiệp, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sắp tới về phía Nhà nước sẽ cần phải làm mấy việc.
Một là phải tạo ra cơ chế, chính sách rõ hơn để các doanh nghiệp thực hiện những biện pháp về kinh tế tuần hoàn.
“Các cơ quan của Chính phủ hoặc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nên có những hỗ trợ cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương cũng vậy, sẽ đưa ra những tiêu chuẩn để các doanh nghiệp tham khảo áp dụng để hướng sản xuất của doanh nghiệp đạt được những tiêu chuẩn như tiêu chuẩn của Châu Âu. Đấy là hoàn thiện về mặt văn bản, về hành lang hướng dẫn cho các doanh nghiệp”, ông Dung nói.
Thứ hai là hỗ trợ để các doanh nghiệp tiếp cận được những nguồn vốn. Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng, đó là tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với các dự án được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh. Đây là văn bản hết sức quan trọng để các doanh nghiệp có thể huy động được các nguồn vốn từ các ngân hàng. Vì hiện nay thế giới như Châu Âu chẳng hạn người ta có rất nhiều những nguồn vốn xanh rất lớn.
“Nếu chúng ta đưa ra được quyết định đó và đặt ra được những tiêu chí môi trường và các doanh nghiệp đáp ứng được những tiêu chí môi trường, trên cơ sở đó thu hút được những nguồn vốn để đầu tư vào cho quá trình sản xuất của mình hướng tới xanh hóa trong sản xuất”, ông Dung nói và nhấn mạnh hai giải pháp lớn trong tương lai cần phải thực hiện.
Đại gia dệt may Hàn Quốc xây nhà máy sản xuất vải lông nhân tạo gần 140 tỷ đồng tại Ninh Thuận
Nghệ An đón dự án nhà máy dệt may 590 triệu USD từ 'đại gia' Singapore