Chuyển gần 1 tỷ đồng mua giường tầng nhưng trường học không nhận, anh V. lập tức báo công an
Đây là chiêu trò lừa đảo tinh vi, có tổ chức, người dân cần nắm rõ để tránh trở thành nạn nhân.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng TP. Hà Nội liên tục tiếp nhận phản ánh về việc các đối tượng mạo danh là giảng viên các trường đại học, liên hệ với các công ty, hộ kinh doanh để đặt mua thiết bị, vật tư phục vụ nhà trường như giường tầng, văn phòng phẩm, đồ dùng học đường... Sau khi tạo lòng tin, chúng tìm cách chiếm đoạt tiền đặt cọc từ nạn nhân.

Dựng kịch bản mua hàng, lừa gần 1 tỷ đồng
Một trong những vụ việc mới nhất xảy ra vào cuối tháng 6/2025. Anh V. (trú tại Hà Nội) cho biết nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là giảng viên của một trường đại học trên địa bàn. Người này cho biết nhà trường đang triển khai gói thầu sửa chữa cơ sở vật chất với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng và cần gấp 300 bộ giường tầng để phục vụ công tác thanh tra nội bộ.
Khi anh V. gửi báo giá, người này phản hồi rằng mẫu giường không đúng với quy định của nhà trường và cung cấp số điện thoại của một đối tác từng được cho là đã cung cấp sản phẩm đạt chuẩn trước đó. Đối tượng đề nghị anh V. đặt hàng hộ vì "hiện không tiện giao dịch trực tiếp" với đơn vị này.
Tin tưởng, anh V. chủ động liên hệ, chuyển tiền đặt cọc để mua giường và đệm cao su từ đối tác được giới thiệu. Sau đó, người mạo danh giảng viên gửi hình ảnh mã giao dịch chuyển tiền và giải thích rằng do sử dụng tài khoản công nên tiền sẽ vào trễ.
Tuy nhiên, khi anh V. đến trường để bàn giao hàng, nhà trường xác nhận không có ai đứng tên đặt mua. Lúc này, nạn nhân mới phát hiện bị lừa và trình báo cơ quan công an. Tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng.

Thủ đoạn tinh vi, có tổ chức
Theo Công an TP. Hà Nội, đây là thủ đoạn lừa đảo có tổ chức, được lên kịch bản kỹ lưỡng. Các đối tượng thường phân vai rõ ràng, trong đó một người đóng vai giảng viên hoặc cán bộ nhà trường, người còn lại giả làm đối tác cung cấp hàng hóa. Tất cả đều nhằm tạo dựng lòng tin với bên bán hàng.
Sau khi "giảng viên" yêu cầu đúng mẫu sản phẩm, họ dẫn dụ nạn nhân liên hệ với đồng phạm để lấy hàng, từ đó thúc giục chuyển khoản đặt cọc. Để đánh lừa tâm lý, chúng gửi mã chuyển tiền giả và viện lý do ngân hàng chậm trễ hoặc vướng thủ tục tài chính công.
Công an TP. Hà Nội khuyến cáo các cá nhân, tổ chức kinh doanh cần đặc biệt thận trọng khi tiếp nhận những đơn hàng giá trị lớn từ người lạ, nhất là các giao dịch qua điện thoại, email hoặc mạng xã hội.
Trước khi tiến hành đặt cọc, cần xác minh rõ ràng thông tin người mua và cơ quan sử dụng thông qua các kênh chính thức. Tuyệt đối không chuyển tiền nếu chưa xác minh đầy đủ. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, người dân cần lập tức liên hệ cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.