Mùa báo cáo tài chính về là lúc nhà đầu tư xem xét mình còn có thể làm bạn với doanh nghiệp nữa hay không. Nói cách khác là phương ngôn "tin ra là bán".
Cùng với đó, không ít doanh nghiệp đã thực hiện các thủ thuật "xào nấu", làm đẹp kết quả kinh doanh của mình khiến nhiều nhà đầu tư bị hiểu lầm về giá trị thật của doanh nghiệp. Do đó, để chiến thắng thị trường, ngoài việc biết đọc báo cáo tài chính, nhà đầu tư còn phải rất nhạy bén để nhận ra dấu hiệu đã qua ''chế biến'' của những "phù thủy" tại phòng tài chính của doanh nghiệp.
Chia sẻ trong Chương trình Bí mật đồng tiền số 13 với chủ đề "Thủ thuật xào nấu’’ vừa kết thúc, chuyên gia Phạm Lưu Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI nhận định, báo cáo tài chính như nhiệt kế và chỉ đo "nhiệt độ" của doanh nghiệp trong một thời điểm. Do đó, báo cáo chỉ là một lát cắt của doanh nghiệp nên nếu chỉ trông vào báo cáo tài chính thì khó có thể đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần nắm bắt một số thủ thuật để có lựa chọn đầu tư phù hợp.
Ông Đỗ Thái Hưng – Giám đốc CTCP Đầu tư Finpros nêu quan điểm bên cạnh việc "giấu lỗ", nhiều doanh nghiệp còn "giấu lãi".
"Thông thường, nhà đầu tư chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong khi thực tế, kết quả kinh doanh chưa chắc đã phản ánh hết giá trị của một doanh nghiệp", ông Hưng nêu nhận định.
Vị chuyên gia này cho rằng, nhà đầu tư ít tìm hiểu những chi tiết đó trong báo cáo tài chính mà thường quan tâm đến những chỉ số P/E, EPS hay doanh thu, lợi nhuận trong quá khứ.
Bảng cân đối kế toán mới là bảng tổng thể giúp chúng ta có thể nhìn thấy rõ doanh thu, lợi nhuận tiềm ẩn trong tương lai trong đó nhà đầu tư cần chú ý khoản doanh thu chưa thực hiện và trả trước của người mua; nếu nhận thấy khoản đó tăng trưởng mạnh thì có thể doanh nghiệp sẽ book được khoản lợi nhuận tương đối lớn trong quý tiếp theo.
Lý giải về nguyên nhân của việc "giấu lãi", vị chuyên gia cho rằng có những doanh nghiệp làm như vậy thường để lợi nhuận năm sau đỡ bị hao hụt trong trường hợp kinh doanh có sự biến động. Tuy nhiên một lý do khác có thể đến từ việc nhiều lãnh đạo cũng tự đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp mình, nên chưa thể show hết tiềm năng khi chưa đủ khả năng gia tăng tỷ lệ sở hữu.
"Tuy nhiên, để giữ được sự kiên định với một cổ phiếu tiềm năng ẩn như vậy rất khó. Tôi đã từng mua cổ phiếu mà cảm thấy rất tâm đắc, song khi đồng nghiệp hò nhau về những mã tăng trần liên tiếp nhiều phiên lại cảm thấy dao động. Bởi khi được chỉ những cổ phiếu khác có tiềm năng tăng giá tốt hơn thì rõ ràng niềm tin với cổ phiếu mình nắm sẽ giảm đi và khả năng cao sẽ không duy trì tỷ trọng danh mục. Do đó, nhà đầu tư sẽ là người chịu thiệt nếu không giữ được niềm tin và sự kiên định với những cổ phiếu đó", vị chuyên gia chia sẻ.
Kỹ năng phân biệt cổ phiếu tốt thật và tốt ảo của Fn chứng khoán
Thị trường tài chính rất nhiều cơ hội nhưng cũng là nơi nhiều cạm bẫy với nhiều chiêu trò thuộc dạng tinh vi nhất. Do đó, nếu bạn không có đủ kiến thức và kinh nghiệm để tránh các cạm bẫy thì khả năng mất mát tài sản là gần như chắc chắn. Chúng tôi mong muốn bài viết này sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế các quyết định sai lầm và rủi ro ở nhóm cổ phiếu thuộc nhóm tốt ảo với mục đích “bán giấy lấy tiền”*.
1. Điều đầu tiên bạn nên tìm hiểu là cơ cấu cổ đông lớn của doanh nghiệp. Các trang web tài chính như cafef.vn, dstock.vndirect.com.vn… dễ dàng giúp bạn tra cứu thông tin về thành phần các cổ đông lớn. Các doanh nghiệp có sự tham gia của các Quỹ đầu tư, tổ chức đầu tư, công ty chứng khoán lớn là dấu hiệu đầu tiên cho thấy doanh nghiệp có đáng tin hay không. Nguyên lý đơn giản là khi họ đầu tư số tiền lớn vào doanh nghiệp nào đó bản thân các Quỹ đầu tư, tổ chức, tự doanh cộng ty chứng khoán đã có sự thẩm định, đánh giá rất kỹ càng về doanh nghiệp và tiềm năng của nó. Bạn nên loại bỏ các quỹ ETF bởi nó không có giá trị tham khảo nào do họ đầu tư không theo cơ bản của doanh nghiệp.
2. Bạn nên tìm hiểu xem báo cáo tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán bởi công ty kiểm toán nào. Các công ty làm ăn đứng đắn và uy tín sẽ không ngại ngần sử dụng các công ty kiểm toán lớn nước ngoài (Big4 kiểm toán tại VN như PWC, Earnst & Young, Deloitte, KPMG) hoặc với các doanh nghiệp nhà nước thì đã có kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, các công ty có những khuất tất về tài sản bên trong thường dùng các công ty kiểm toán nhỏ trong nước không có tên tuổi vốn luôn sẵn sàng giúp họ xào nấu báo cáo tài chính theo ý của chủ doanh nghiệp. Tiêu chuẩn kế toán của Việt nam hiện vẫn khá thấp và lỏng lẻo nên việc xào nấu báo cáo tài chính để lừa bịp nhà đầu tư diễn ra quá nhiều trong 15 năm qua.
3. Khi đầu tư vào doanh nghiệp bạn nên hiểu rằng bạn đang góp vốn vào doanh nghiệp và nhờ người chủ tịch doanh nghiệp kinh doanh hộ mình. Do đó, việc vô cùng cần thiết là bạn phải tìm hiểu rõ về người mà chúng ta giao tài sản cho họ. Nếu họ là người có tâm và tầm thì khoản đầu tư của bạn sẽ sinh sôi theo thời gian. Tuy nhiên, nếu họ là người có hành vi trục lợi cá nhân, bất tài, thiếu đạo đức thì việc bạn mất tiền là rất dễ dàng. Theo chúng tôi thì không quá khó để đánh giá về chủ tịch doanh nghiệp. Bạn có thể tìm hiểu về cách họ hành xử với cổ đông, khách hàng, đối tác trong các năm trước đó. Những ông, bà chủ tịch doanh nghiệp thường xuyên hô hào về giá cổ phiếu của chính họ, ca ngợi về doanh nghiệp của họ để khích lệ cổ đông mua vào nhưng đem lại thua lỗ cho cổ đông trong nhiều năm là rất đáng ngờ. Trong khi đó, chủ tịch của doanh nghiệp thường xuyên mua vào rồi lại bán ra số lượng lớn cổ phiếu và họ thường xuyên “may mắn” mua đúng đáy và bán đúng đỉnh. Những ông chủ doanh nghiệp tốt đích thực thì chỉ có một chiều mua vào nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu.
4. Tìm hiểu về lịch sử trả cổ tức và tăng vốn của doanh nghiệp là điều nên làm. Chúng tôi đã thống kê lại và thấy rằng các doanh nghiệp tốt và xuất sắc thường trả cổ tức bằng tiền + cổ phiếu đều đặn cho cổ đông hàng năm. Khi doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông hàng năm nó cho thấy doanh nghiệp có tài sản và dòng tiền thật để chi trả. Trong khi đó, các doanh nghiệp “tốt ảo” thường báo cáo doanh thu và lợi nhuận hoành tráng nhưng không có tiền chi trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông thay vào đó là cổ tức nhiều năm bằng cổ phiếu. Những doanh nghiệp thường xuyên vẽ ra các kế hoạch hoàng tráng trong tương lai và kèm theo là lộ trình tăng vốn bằng phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là rất đáng ngại.
5. Các doanh nghiệp tốt thường dễ dàng để vay nợ tại các ngân hàng lớn bởi uy tín và tài sản của họ lớn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ảo thường không vay nợ được các ngân hàng do không có tài sản đảm bảo. Bạn chỉ cần tìm hiểu kỹ trong phần giải trình các khoản vay nợ trên báo cáo tài chinh kiểm toán để xem phần vay nợ của doanh nghiệp được cho vay bởi ngân hàng nào. Nếu các khoản vay nợ được thực hiện bởi các ngân hàng lớn thì mức độ tin tưởng sẽ cao hơn các ngân hàng nhỏ.
Những yếu tố chúng tôi đưa ra đây nhằm giúp nhà đầu tư tránh xa các vùng cạm bẫy hay chúng tôi con là “biển chết”. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì bất cứ doanh nghiệp nào bạn nghi ngờ thì hãy tạm tránh xa chúng cho tới khi nào mọi thứ đạt yêu cầu bạn đặt ra. Nếu bạn chỉ đầu tư hay đầu cơ trên vùng cổ phiếu tốt xác suất thành công của bạn chắc chắn sẽ cao hơn. Việc còn lại khi đã chọn được vùng cổ phiếu tốt là đánh giá triển vọng tương lai của doanh nghiệp để tìm thời điểm tham gia hợp lý mà thôi.
*Kinh nghiệm của Fn chứng khoán - Phạm Thái