Nâng cao chất lượng NĐT trên thị trường chứng khoán: Đề xuất ưu đãi thuế cho đầu tư dài hạn
Với sự tham gia ngày càng đông đảo của nhà đầu tư cá nhân, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng và tính bền vững.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt trong việc thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân. Tính đến cuối tháng 9/2024, có 8,86 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương 8,8% dân số. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng kéo theo những vấn đề về đầu cơ, đặc biệt là trong giai đoạn 2020-2021, khi nhiều người có lãi nhờ đầu tư ngắn hạn.
Tại chương trình Insight Talk ngày 9/10, với chủ đề "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Hành trình từ tăng trưởng nóng đến phát triển bền vững", ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI - chia sẻ, phần lớn nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 90% thị trường và đa phần vẫn thiên về tư duy đầu cơ ngắn hạn. Điều này dẫn đến sự biến động mạnh của thị trường, làm cho chỉ số biến động nhiều hơn so với các thị trường trong khu vực.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa có đủ kinh nghiệm và kiến thức, thường đầu tư theo tâm lý đám đông hoặc dựa trên thông tin thiếu chính thống từ mạng xã hội. Điều này khiến thị trường trở nên kém chất lượng và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Theo ông Hưng, để phát triển thị trường bền vững, điều quan trọng là nâng cao kiến thức và kỹ năng cho nhà đầu tư cá nhân.
“Trong đầu tư, chúng ta cần có kiến thức, trải nghiệm và cũng cần thất bại để có thể đi tiếp. Hoặc chúng ta có thể học từ thất bại của người khác để đỡ phải trả giá bằng tiền mặt của chính mình”, ông Hưng tâm sự.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, một nhà đầu tư chất lượng cần có ba yếu tố: Kỷ luật, không để cảm xúc lấn át khi ra quyết định và kiến thức vững chắc. Chuyên gia SSI dẫn chứng, việc đầu tư chứng khoán như một cuộc chạy marathon, cần kiên nhẫn và tích lũy kinh nghiệm dần dần. Đầu tư không có đường tắt và người đầu tư cần học từ thất bại để tiến lên.
Ngoài ra, ông Hưng mong muốn tài chính cá nhân trở thành môn học bắt buộc từ cấp 2, cấp 3 để tạo nền tảng cho việc đầu tư tài chính trong tương lai. Điều này giúp người trẻ tiếp cận kiến thức tài chính sớm, tạo tiền đề cho những quyết định đầu tư tốt hơn khi trưởng thành.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nhà đầu tư, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng được khuyến nghị cần chú trọng đến tính minh bạch và hiệu quả của thị trường. Ở các quốc gia phát triển, người dân có thể tham gia thị trường chứng khoán thông qua các quỹ hưu trí và tiết kiệm cho tương lai. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các chính sách khuyến khích tiết kiệm dài hạn chưa thực sự hiệu quả và cần sự hỗ trợ từ chính sách thuế và các yếu tố quản lý khác.
Cũng tại Insight Talk, bà Đỗ Hoài Linh - Phó Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại tại Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) nhận định, hệ thống tài chính của Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng. Nếu không giải quyết vấn đề này, thị trường vốn sẽ khó phát triển bền vững.
Theo đó, cần xây dựng một hệ thống tài chính mạnh mẽ với sự cân bằng giữa các thành tố như thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Ngoài ra, chính sách phân biệt ưu đãi thuế giữa đầu tư ngắn hạn và dài hạn là cần thiết. Ở các nước phát triển, những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài thường được hưởng ưu đãi về thuế, giúp khuyến khích đầu tư bền vững. Điều này tương tự như trong thị trường bất động sản, nơi những nhà đầu tư "lướt sóng" có thể phải chịu mức thuế cao hơn so với những người nắm giữ tài sản lâu dài.
>> Xem toàn bộ chương trình tại đây.
>> Insight Talk số 2: Hành trình từ tăng trưởng nóng đến phát triển bền vững của TTCK Việt Nam