Tài chính Ngân hàng

Chuyên gia kiến nghị đánh thuế giao dịch vàng

Thảo Nguyên 10/06/2024 - 20:41

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản... đều đang được điều tiết bằng thuế thu nhập cá nhân, do đó cũng cần tính giải pháp phù hợp cho vàng.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh VGP
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh VGP

Chiều ngày 9/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có buổi họp với các chuyên gia kinh tế đầu ngành nhằm tìm giải pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn. Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động mạnh, trở thành vấn đề lớn của nhiều nước.

Tại Việt Nam, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, từ ngày 23/4 đã kế thừa giải pháp đấu thầu vàng từng triển khai năm 2013. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước, nhất là vàng miếng SJC, với giá vàng thế giới vẫn chưa giảm như kỳ vọng. Qua phân tích cho thấy, giai đoạn này có nhiều khác biệt, nên từ 3/6, NHNN chuyển hướng, quyết định áp dụng bán vàng trực tiếp cho cá nhân có nhu cầu qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá, qua một tuần triển khai, bước đầu công tác quản lý thị trường vàng đã đem lại kết quả tích cực, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Phát biểu tại cuộc họp đa số ý kiến của các chuyên gia kinh tế đánh giá cao các giải pháp NHNN đã triển khai đối với thị trường vàng. Nhất là phương án mới, NHNN bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) và Công ty SJC để bán tới người dân. Qua đó đã ổn định giá vàng, đặc biệt thu hẹp chênh lệch giá vàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, đó chỉ là các giải pháp tạm thời, NHNN cần có giải pháp hữu hiệu để thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tránh hệ lụy tiêu cực của tình trạng này như: buôn lậu, trốn thuế, quản lý ngoại tệ chuyển ra nước ngoài…

Đặc biệt việc ổn định thị trường vàng theo TS. Trương Văn Phước – Nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia cũng góp phần ổn định tỷ giá. Minh chứng là khi chênh lệch giá vàng lớn có hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới và tác động đến tỷ giá ở thị trường chợ đen. Khi NHNN cung một lượng vàng để đáp ứng nhu cầu người dân, giá vàng giảm xuống thì thị trường ngoại hối, đặc biệt tỷ giá hối đoái không còn biến động như trước. “Tôi cho rằng đây là một thành công của NHNN trong thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, đồng thời cũng hỗ trợ cho sự ổn định tỷ giá hối đoái của chúng ta” - TS Trương Văn Phước nhận định.

Đó là thành công ban đầu thông qua các giải pháp của NHNN. Song theo các chuyên gia cần có giải pháp căn cơ, toàn diện hơn quản lý thị trường vàng trong thời gian tới như sửa đổi Nghị định 24/2012//NĐ-CP cho phù hợp với tình hình hiện nay.

“Sắp tới, việc giá cả bao nhiêu sẽ để thị trường quyết định. NHNN với tư cách nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, mà vàng là tài sản có nguyên liệu do thị trường quốc tế quyết định nên NHNN nên giữ lấy quyền xuất nhập khẩu vàng. Còn việc chế biến gia công nên trao lại cho doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng có điều kiện”- TS Trương Văn Phước đề xuất.

“Như vậy chúng ta sẽ chứng kiến sự điều tiết của thị trường vàng theo quy luật cung cầu và giá cả chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch như thời gian vừa qua, dĩ nhiên đó là một cách nghĩ góc nhìn riêng của tôi. Dần dần người dân sẽ rời xa vàng vật chất” - TS Trương Văn Phước nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đề xuấ, NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Theo bà Mùi, giải pháp thuế sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một bộ phận nhà đầu tư, nhất là những người đang mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, hoặc thậm chí có động cơ thao túng giá. Giải pháp thuế sẽ tác động tới tâm lý người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.

Thuế còn là công cụ quản lý đảm bảo tính công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản... đều đang được điều tiết bằng thuế thu nhập cá nhân, do đó cũng cần tính giải pháp phù hợp cho vàng.

Cùng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để quản lý thị trường vàng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế. Nếu Nhà nước không khuyến khích thì đánh thuế cao, còn không thì giảm xuống. Chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế. Ngoài ra, cần tính tới các giải pháp như quản lý bằng quota xuất, nhập khẩu, chống độc quyền, chống gian lận thương mại…

TS Trương Văn Phước cho rằng, nên hạn chế nhập khẩu vàng nhưng cũng cần tôn trọng nhu cầu của người dân. “Dĩ nhiên có nhiều quan điểm khác nhau trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ, nhưng đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng” - TS Phước nói.

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại buổi họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ý kiến phát biểu của các chuyên gia rất hữu ích, NHNN sẽ tập hợp để tham mưu Chính phủ trong quản lý thị trường vàng, cũng như sửa đổi Nghị định 24/2012//NĐ-CP trong thời gian tới. "Mục tiêu xuyên suốt của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, để người dân chuyển vàng vào sản xuất - kinh doanh" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Vàng thế giới lao dốc không phanh, trong nước ổn định

Sự nhạy bén của chủ nhà nghỉ ở Thái Bình giúp ngăn chặn vụ giao dịch đáng ngờ 500 triệu đồng

Lộ diện quốc gia châu Á ‘soán ngôi’ London trở thành trung tâm giao dịch vàng lớn thứ hai thế giới

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-kien-nghi-danh-thue-giao-dich-vang.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia kiến nghị đánh thuế giao dịch vàng
    POWERED BY ONECMS & INTECH