Tình hình nợ của Nga đang phức tạp hơn dưới tác động của các lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra, cả ba công ty xếp hạng tín nhiệm lớn là Fitch, S&P và Moody's đã hạ hạng mức tín nhiệm nợ của Nga từ mức “đầu tư” xuống mức “không đáng đầu tư”.
"Xứ sở bạch dương" đã không bị vỡ nợ kể từ năm 1917, nhưng với tình trạng trên, nước này đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ giữa bối cảnh bất ổn địa chính trị leo thang.
Với các khoản nợ nước ngoài, trong điều kiện bình thường, Nga hoàn toàn có thể trả được, song việc không thể tiếp cận với nguồn tiền của mình sau khi bị loại khỏi hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu (SWIFT) khiến Nga lâm vào thế khó.
Timothy Ash - Chiến lược gia cấp cao tại Công ty quản lý tài sản BlueBay Asset Management (Anh) cho biết: “Một vụ vỡ nợ là một thảm họa đối với Nga và nó có thể sẽ cắt đứt khả năng tiếp cận nguồn tài chính nước ngoài của nước này trong nhiều năm”.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá, một cuộc khủng hoảng tài chính vượt ra ngoài biên giới Nga khó có thể phát triển vào thời điểm này và phản ứng của các ngân hàng phương Tây là "không thích hợp”.
Tuy nhiên, vị này cho rằng một vụ vỡ nợ là hoàn toàn có thể xảy đến vào thời điểm thị trường toàn cầu có nhiều bất ổn.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế Capital Economics cảnh báo: Nếu một tổ chức tài chính đặc biệt phải hứng chịu các khoản nợ của Nga, điều đó có thể gây ra tác động lây lan rộng hơn. Và quan trọng là chúng ta sẽ không thực sự biết điều đó tồi tệ như thế nào cho đến khi nó xảy ra.
Nền kinh tế của Nga đã bị tổn thương nặng nề. Kể từ khi xung đột bắt đầu, đồng ruble đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, các nguồn doanh thu quan trọng đang chậm lại khi các nhà kinh doanh dầu mỏ né tránh dầu thô của Nga; hàng chục tập đoàn quốc tế đã tạm ngừng hoạt động tại nước này. Các lệnh trừng phạt cũng đã khiến hơn 300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Nga bị đóng băng.