Chuyên gia cho rằng, muốn giảm giá xăng dầu, phải tính đến việc điều chỉnh các loại thuế, phí, đồng thời xem xét, sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ Bình ổn xăng dầu.
Chia sẻ với báo chí, TS Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, muốn giảm giá xăng dầu, phải tính đến việc điều chỉnh các loại thuế, phí, đồng thời xem xét, sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ Bình ổn xăng dầu.
TS Bùi Đức Thụ chia sẻ, giá xăng dầu trên thế giới thời gian gần đây tăng liên tục, dẫn đến giá bán lẻ trong nước lập đỉnh cao nhất trong nhiều năm qua. Giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, vì đây là yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh. Giá xăng dầu tăng đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng, điều này sẽ tác động đến một loạt vấn đề.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng lên dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt với những ngành sử dụng yếu tố đầu vào là xăng dầu nhiều. Giá xăng dầu tăng lên sẽ là một trong những nhân tố tác động đến chỉ số lạm phát bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng sẽ làm giá hàng hoá tăng theo trong đó có giá hàng tiêu dùng, vì vậy chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng lên. Điều đó làm cho tiền lương thực tế, tức là mức thu nhập thực tế của người lao động, người hưởng lương sẽ giảm xuống, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ về phương án giảm những tác động của biến động giá xăng dầu trong nước và quốc tế đối với sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân, TS chia sẻ thêm: Vấn đề đặt ra là phải kiểm soát lạm phát, trong đó có kiểm soát, ổn định giá xăng dầu để ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì phát triển kinh tế bền vững, duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, Việt Nam có nền kinh tế mở, kim ngạch xuất nhập khẩu rất cao, do vậy giá xăng dầu cũng như giá cả hàng hoá nói chung chịu ảnh hưởng của yếu tố quốc tế rất nhiều. Xăng dầu quốc tế tăng, buộc chúng ta phải điều chỉnh giá trong nước, dẫn đến biến động về kinh tế- xã hội.
TS Bùi Đức Thụ cho rằng, đây là một nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ phải lãnh đạo chỉ đạo để đạt được sự ổn định tối đa đối với mặt bằng giá nói chung và xăng dầu nói riêng.
Bên cạnh đó, còn có Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Quỹ này đã giao cho liên bộ và trong giai đoạn này phải xem xét, để có phương án tài chính phù hợp, nhằm ổn định giá xăng dầu.
Đánh giá về mạng lưới bán lẻ xăng dầu trong nước, ông Bùi Đức Thụ nhận định, xu hướng giá cao cũng không hẳn hoàn toàn do cung cầu mà do yếu tố chính trị. Với chiều hướng tích cực, hy vọng thời gian tới giá mặt hàng này không tăng nữa nếu vấn đề chính trị ở Ukraine được giải quyết. Căn cứ vào dự báo đó, chúng ta có thể điều hành giá xăng dầu trong nước bằng con đường thuế, quỹ bình ổn giá.
Ngoài ra, giá cả mặt hàng này do Nhà nước quản lý, nhưng khi giá xăng dầu biến động, hệ thống bán lẻ có sự chệch choạc, khi giá thế giới tăng, người ta càng bán thì lại có hiện tượng càng lỗ, dẫn đến đóng cửa, găm hàng. Điều này làm cho biến động cung cầu trên thị trường tác động xấu đến giá cả xăng dầu. Mạng lưới bán lẻ chúng ta cũng kiểm soát chưa được chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.
Chính vì vậy, để ổn định giá, ngoài yếu tố đầu vào, chính sách liên quan đến thuế, phí xăng dầu, thì cần quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu, không để tình trạng cắt khúc thị trường, tư nhân bán lẻ thao túng, găm hàng, trục lợi. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý thị trường, Bộ Công Thương và chính quyền các địa phương cần phải chỉ đạo thật sát, xử lý thật nghiêm mọi trường hợp vi phạm về quản lý, lưu thông cũng như bán lẻ xăng dầu.
Giá xăng dầu tiếp tục giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít
Giám đốc Xuyên Việt Oil rút quỹ Bình ổn giá xăng dầu để đầu tư bất động sản