Chuyên gia của TCSC cho rằng, thị trường sẽ tạo đáy trong khoảng 3-6 tháng tới và trong bối cảnh đó, những cổ phiếu mang tính chu kỳ lớn như ngân hàng, chứng khoán sẽ đi trước.
Tại hội thảo “Đầu tư thành công: Xu hướng và cơ hội đầu tư 2023” do Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) tổ chức vào ngày 08/04, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Phân tích đầu tư của TCSC cho biết, các khảo sát ở thị trường nước ngoài đã cho thấy khi FED tăng lãi suất, các tài sản rủi ro đều giảm giá.
Mặc dù vậy, khi chính sách tiền tệ đảo chiều, chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng, thị trường các loại tài sản này cũng trở nên sôi động hơn. Điều này đã được nhìn thấy rất rõ trong thời gian gần đây, khi các tài sản rủi ro như chứng khoán, tiền điện tử,...quay đầu tăng mạnh.
Tại Việt Nam, do độ mở của nền kinh tế và sự liên thông với thị trường tài chính quốc tế hiện nay là tương đối lớn, nên những điều đã diễn ra ở thị trường đầu tư nước ngoài hoàn toàn có thể lập lại ở Việt Nam. Nhận định về thị trường chứng khoán, ông Trung cho biết: “3-6 tháng tới, nền kinh tế có thể tạo đáy theo xu hướng lãi suất. Hiện tại, thị trường chứng khoán đang phản ánh điều đó và đã bắt đầu tạo đáy”.
Bên cạnh đó, chuyên gia của TCSC cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường tạo đáy, những cổ phiếu mang tính chu kỳ lớn như ngân hàng, chứng khoán sẽ đi trước.
Cụ thể, các số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng khoảng 6%, trong khi cổ phiếu ngành ngân hàng tăng 12%; tài chính phi ngân hàng tăng hơn 13%; dầu khí tăng 17%. Mặc dù đã tăng hơn 10% trong một thời gian ngắn nhưng đây chưa phải là mức tăng lớn nhất của các nhóm cổ phiếu kể trên, đặc biệt là nhóm ngành ngân hàng.
“Trong quá khứ, khi thị trường khó khăn, P/B (Giá trên giá trị sổ sách) của các ngân hàng đã từng về dưới 1. Tuy nhiên, khi thị trường tăng, P/B đã quay về mức 2-3 lần, mức khá cao. Mức tăng hiện tại của cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa nhiều. Xét về tính chu kỳ, ngành ngân hàng vẫn đang ổn định”, ông Trung nhận định.
Ông Nguyễn Thành Trung |
Nhận định thêm về cổ phiếu ngân hàng, vị chuyên gia này cho biết, về cơ bản, đầu ra của ngành ngân hàng là tín dụng. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng dư nợ cho vay lại đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, trong quý 2, khi lãi suất giảm xuống người có nhu cầu chắc chắn sẽ quay lại vay, theo đó, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tốt hơn so với đầu năm.
Ở phía đầu vào, trước đây chi phí huy động đã gây áp lực không nhỏ lên các ngân hàng. Tuy nhiên, nhờ các hành động của nhà điều hành, áp lực này đã được giảm bớt. Loại chi phí cần phải quan tâm nhất hiện nay đó là chi phí trích lập dự phòng.
Ông Trung đánh giá, trong môi trường nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng gặp khó khăn như hiện tại, chi phí trích lập dự phòng đang gây sức ép không nhỏ lên lợi nhuận của các nhà băng. Tùy theo khẩu vị của từng ngân hàng, loại chi phí này sẽ cao hay thấp.
Về việc lựa chọn cổ phiếu, chuyên gia TCSC cho rằng, nếu kỳ vọng thị trường bất động sản phục hồi, nhà đầu tư có thể lựa chọn các cổ phiếu ngân hàng có danh mục tín dụng thiên về lợi nhuận nhiều hơn an toàn. Ngược lại, nếu thận trọng, nhà đầu tư nên lựa chọn các ngân hàng có dư nợ cho vay ít rủi ro hơn.
Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng chạm ngưỡng 'đỉnh nóc kịch trần'
Nhận món quà 750.000 USD từ bạn ngoại quốc, người đàn ông suýt mất 500 triệu đồng