Chuyên gia: TTCK hiện tại chưa phải đỉnh, nhà đầu tư cần nắm bắt cơ hội để sinh lời
VN-Index đã tăng gần 40% từ đáy tháng 4/2025 và được đánh giá chưa có dấu hiệu dừng lại. Chuyên gia chứng khoán nhận định thị trường có thể tiến tới vùng 1.800–1.900 điểm, nhưng không phải tất cả nhóm ngành đều cùng đi lên.
Kể từ đáy tháng 4/2025, VN-Index đã tăng hơn 36% — tương đương khoảng 400 điểm, lên vùng 1.497 điểm vào ngày 18/7, chỉ còn cách đỉnh lịch sử (1.528 điểm) chưa đầy 30 điểm. Đây cũng là tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp của chỉ số, cho thấy đà hồi phục mạnh mẽ và tâm lý lạc quan lan tỏa trên thị trường. Đáng chú ý, thanh khoản trong tuần trước đạt mức kỷ lục, với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên lên đến 38.700 tỷ đồng trên 3 sàn.
Tuy nhiên, chỉ ngay phiên sau đó (21/7), thị trường đã ghi nhận áp lực chốt lời lớn khi VN-Index chạm mốc 1.500 điểm rồi quay đầu giảm gần 12 điểm – mức giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng. Diễn biến này cho thấy thị trường đang ở trạng thái giằng co giữa kỳ vọng tăng tiếp và lo ngại điều chỉnh.
Trong chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh Vượng” phát sóng ngày 21/7, ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Kinh doanh Số của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) – nhận định thị trường đang “tăng nóng”, với tâm điểm là nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ kỳ vọng nâng hạng thị trường.
“Danh mục ePortfolio của chúng tôi tập trung vào nhóm cổ phiếu này đã tăng 18% chỉ trong một tháng – mức tăng gấp gần hai lần bình quân cả năm”, ông Đức cho biết. Trong đó, VIC – cổ phiếu đầu ngành của Vingroup – đã tăng gấp 3 lần từ đầu năm, vượt mốc 120.000 đồng/cổ phiếu, trở thành biểu tượng cho đà tăng phi mã.
Trả lời câu hỏi liệu đà tăng này đã chạm trần hay thị trường vẫn còn dư địa đi lên, ông Đức cho rằng, nếu nhìn vào lịch sử, những con sóng uptrend mạnh chỉ xuất hiện khoảng năm lần trong 2 thập kỷ gần nhất, gồm các giai đoạn: 2007–2008, 2009–2010, 2017–2018, 2021–2022 và hiện tại 2025.
“Nếu nhà đầu tư không tận dụng cơ hội này, họ sẽ rất khó kiếm lợi nhuận trong những năm tới”, ông Đức nói và dẫn lại tư duy giao dịch của những tên tuổi lớn như George Soros và Druckenmiller để nhấn mạnh tầm quan trọng của tâm lý tích cực khi thị trường đang trong xu thế đi lên.
![]() |
Ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Kinh doanh Số VPBankS chia sẻ tại chương trình Việt Nam và các chỉ số ngày 21/7 |
Dù vậy, vị chuyên gia nhấn mạnh mốc 1.500 điểm nên được xem là vùng tích lũy hơn là bứt phá. Ông cảnh báo về hiện tượng “thay máu dòng tiền”, khi các cổ phiếu dẫn dắt hiện tại như VIC có thể chững lại tương tự như Hòa Phát vào giữa năm 2021 – thời điểm HPG cũng từng tăng gấp 6 lần trước khi rơi vào điều chỉnh, để nhường chỗ cho nhóm chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ trở thành động lực tăng trưởng mới.
Một chỉ báo quan trọng giúp nhà đầu tư nhận diện thị trường đã tăng nóng hay chưa, theo ông Đức, chính là hệ số định giá P/E (giá trên lợi nhuận). Chuyên gia dẫn lại quan điểm của Peter Lynch rằng thị trường thường đạt đỉnh khi P/E vượt mốc 20.
“Năm 2018, P/E lên tới 21 lần, còn giai đoạn 2021–2022 là 19 lần. Trong khi đó, hiện nay P/E mới chỉ hơn 16 lần – tức vẫn còn cách vùng đỉnh khoảng 20%. Thậm chí, nếu lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục tăng thêm 15% trong năm tới, mức P/E này sẽ còn thấp hơn”.
Từ đó, ông Đức cho rằng việc kỳ vọng VN-Index đạt 1.800 – 1.900 điểm là hoàn toàn có cơ sở, miễn là tâm lý tích cực được duy trì. Dẫn lại lời tỷ phú George Soros, chuyên gia VPBankS kết luận: “Khi thị trường đi ngang, nó có thể trì trệ rất lâu. Nhưng một khi đã bước vào xu hướng tăng, đà này sẽ duy trì bền vững”.
Dẫu vậy, ông Đức cũng cảnh báo nhà đầu tư nên cảnh giác với hội chứng FOMO – nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội – dễ khiến họ mua đuổi ở vùng giá cao và bị mắc kẹt nếu thị trường điều chỉnh bất ngờ. “Dù thị trường chưa lập đỉnh, nhưng khi P/E tiệm cận 19–20 lần, nhà đầu tư cần bắt đầu đánh giá lại vị thế nắm giữ”, chuyên gia VPBankS nhấn mạnh.
>> Cổ phiếu chứng khoán nửa cuối 2025: Nhóm mạnh về tự doanh tiếp tục ‘đá chính’?
VN-Index đã chạy khỏe, Vietcap (VCI) vẫn đứng yên?
VN-Index bị đánh úp cuối phiên, một cổ phiếu VN30 giảm cận sàn