Chuyện ít biết về những cảnh vệ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lực lượng duy nhất trong Công an nhân dân được chính Bác Hồ đặt tên

25-04-2024 22:44|Thùy Dung

Đây là đơn vị vũ trang đầu tiên, chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ và các cơ quan đầu não của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ 1950-1954.

Những cảnh vệ đầu tiên đồng hành cùng Bác

Đầu năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn mới, từ cầm cự chuyển sang phản công. Để đảm bảo an toàn nơi ở cũng như các hoạt động của Bác, Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Trung ương quyết định thành lập đại đội Độc lập - đơn vị vũ trang chiến đấu với quân số 80 cán bộ - nhiệm vụ giữ gìn an toàn khu căn cứ địa cùng 2 tiểu đội AD, AT chuyên trách bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cơ quan Trung ương, Chính phủ tại Việt Bắc.

Hai tiểu đội AD, AT với quân số mỗi đơn vị 11 cán bộ chính là tiền thân của Trung đoàn 600 Bộ Tư lệnh Cảnh vệ ngày nay. Dù điều kiện hoạt động vô cùng khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, với lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng, cán bộ chiến sĩ 2 tiểu đội AD, AT đã nêu cao tinh thần trách nhiệm "hôm sớm cận kề", chăm sóc, lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo trong Trung ương, Chính phủ.

Cán bộ chiến sĩ bảo vệ Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại chiến khu Việt Bắc năm 1950 (Ảnh: BTL Cảnh vệ)

Cán bộ chiến sĩ bảo vệ Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại chiến khu Việt Bắc năm 1950 (Ảnh: BTL Cảnh vệ)

Những chiến sĩ cảnh vệ đã luôn thấm nhuần lời dạy của Bác: "Tuyệt đối trung thành với Đảng, Chính phủ", sẵn sàng chịu đựng khó khăn, gian khổ hy sinh cho lý tưởng cách mạng, luôn luôn coi nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước là mệnh lệnh thiêng liêng trong trái tim mỗi người.

Suốt những năm kháng chiến, đội AD. đã theo chân Bác đến nhiều nơi, bảo vệ Bác đi thị sát nhiều chiến dịch quan trọng của quân đội ta như Chiến dịch Biên giới năm 1950, chiến dịch Cao Bắc Lạng hay tham gia Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Thời gian này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hết sức ác liệt, ở căn cứ địa, các cơ quan nói chung và nơi ở, nơi làm việc của Bác phải thường xuyên di chuyển.

Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Chủ nhiệm Chính trị Công an nhân dân vũ trang từng kể lại: "Mỗi lần di chuyển, Bác gọi anh em tới căn dặn cụ thể cách chọn địa hình, địa vật vừa đảm bảo bí mật vừa đảm bảo giao thông, vừa có nơi làm việc vừa có chỗ giải trí. Theo lời dạy của Bác, chúng tôi càng có nhiều kinh nghiệm. Đối với anh em chúng tôi, những năm tháng bảo vệ Bác là niềm hạnh phúc nhất trên đời nên ai có nỗi niềm riêng tư cũng hạn chế không để Bác biết, sợ Bác phiền lòng. Nhưng trái lại, dù Bác trăm công nghìn việc nhưng vẫn luôn quan tâm đến anh em, nhiều lần động viên, tìm hướng hỗ trợ anh em ổn định tâm tư, gia đình".

Bác Hồ đến thăm và căn dặn cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 11 Trung đoàn 600, trước khi về tiếp quản thủ đô năm 1954 (Ảnh: BTL Cảnh vệ)

Bác Hồ đến thăm và căn dặn cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 11 Trung đoàn 600, trước khi về tiếp quản thủ đô năm 1954 (Ảnh: BTL Cảnh vệ)

Lực lượng được chính Bác đặt tên

Đến đầu năm 1953, khi công tác bảo vệ ATK và bảo vệ lãnh tụ đã đi vào nề nếp, tạo thành vòng tròn khép kín, chặt chẽ. Tuy nhiên, do sự phát triển lớn mạnh của cách mạng Việt Nam, yêu cầu công tác bảo vệ khu căn cứ và các lãnh tụ đặt ra hết sức nặng nề.

Trong khi đó, lực lượng làm công tác bảo vệ còn mỏng, rất khó khăn cho việc cơ động bảo vệ các chuyến công tác đường dài, các cuộc hội họp của Trung ương, Chính phủ, công tác phòng chống tập kích, oanh tạc…

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng thống nhất thành lập Tiểu đoàn bảo vệ với quân số tròn 600 cán bộ chiến sĩ được tuyển chọn kỹ lưỡng và trước đó đều đang giữ chức vụ chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội và thấp nhất là cán bộ tiểu đội.

Trong khi các cán bộ tổ chức đang loay hoay, lúng túng chưa biết đặt tên gì cho Tiểu đoàn thì Bác Hồ biết tin. Bác đến và gặp gỡ hỏi ý kiến từng người. Mỗi người một ý kiến khác nhau.

Cuối cùng, Bác nói: "Chúng ta có 5 đại đội, mỗi đại đội 120 người. Vậy là 600 người. Bác đặt tên là Tiểu đoàn 600, các chú có đồng ý không?". Mọi người có mặt lúc đó thấy cái tên Bác đặt tuy đơn giản nhưng rất hợp lý, có ý nghĩa và dễ nhớ nên tất cả đều đồng ý. Kể từ đó, cái tên 600 thiêng liêng gắn bó và trở thành kỷ niệm kỷ niệm đẹp đẽ, niềm tự hào của các thế hệ cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 600.

Tiểu đoàn 600 bảo vệ kỳ họp thứ 3 Quốc hội tại Việt Bắc tháng 12/1953 (Ảnh: BTL Cảnh vệ)

Tiểu đoàn 600 bảo vệ kỳ họp thứ 3 Quốc hội tại Việt Bắc tháng 12/1953 (Ảnh: BTL Cảnh vệ)

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và chuẩn bị lực lượng bảo vệ Bác Hồ, Trung ương, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô. Ngày 20/9/1954, Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định số 35 quyết định phát triển Tiểu đoàn 600 thành Trung đoàn 600. Ngày 26/11/1984, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 21 thống nhất lực lượng bảo vệ Trung ương, Chính phủ đặt dưới sự chỉ huy quản lý của Bộ Nội vụ. Theo đó, Trung đoàn 600 được chuyển từ Bộ Quốc phòng sang Cục Cảnh vệ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an) để phù hợp với yêu cầu công tác cảnh vệ.

Bảy thập kỷ đã trôi qua, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 600 luôn vinh dự và tự hào là đơn vị duy nhất trong lực lượng Công an nhân dân được Bác Hồ đặt tên. Trung đoàn 600 là đơn vị vũ trang đầu tiên, chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ và các cơ quan đầu não của cách mạng Việt Nam từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1950-1954.

Đến hôm nay, nhiệm vụ đó vẫn tiếp tục được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn thực hiện với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, của ngành công an và nhân dân.

>> Người chiến sĩ đầu tiên phất lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu mốc son chói lọi, chấm dứt cuộc chiến tranh lâu dài nhất và vĩ đại nhất của nhân dân ta

Huyền thoại nữ biệt động Sài Gòn khiến lính Mỹ khiếp sợ, được biết đến với biệt danh 'Tiểu Long nữ trên đường phố'

Vị tướng quân đội đặc biệt nhất: Từ anh Binh nhì đến Thượng tướng ở tuổi 40, được tuyên dương là Anh hùng LLVT Nhân dân khi mới 26 tuổi, từng tham gia 67 trận quyết tử

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/chuyen-it-biet-ve-nhung-canh-ve-dau-tien-cua-chu-tich-ho-chi-minh-va-luc-luong-duy-nhat-trong-cong-an-nhan-dan-duoc-chinh-bac-ho-dat-ten-d121304.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyện ít biết về những cảnh vệ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lực lượng duy nhất trong Công an nhân dân được chính Bác Hồ đặt tên
    POWERED BY ONECMS & INTECH