Vĩ mô

CIEM: Dự thảo thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường có thể khiến GDP thiệt hại hơn 40.000 tỷ đồng

Trường Thanh 30/10/2024 - 17:23

Các nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng, tác động của chính sách này không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp, mà còn mở rộng đến cả nền kinh tế, người lao động, và người tiêu dùng.

Theo báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế suất thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường” do Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố, đề xuất áp dụng mức thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát (NGK) có đường đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các chuyên gia. Báo cáo cho thấy, việc mở rộng đối tượng chịu thuế nhằm giảm thiểu tiêu thụ đường, đảm bảo sức khỏe người dân, tuy nhiên lại tạo nên một chuỗi ảnh hưởng đáng kể, từ quy mô sản xuất, giá trị gia tăng của ngành cho đến thu nhập của người lao động và doanh thu ngân sách quốc gia.

Theo CIEM, áp thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường sẽ dẫn tới suy giảm tổng giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm (Value Added - VA) của ngành NGK, đồng thời làm thu hẹp quy mô sản xuất. Cụ thể, giá trị sản xuất giảm 5.524 tỷ đồng, tương đương mức giảm 0,167%, trong khi giá trị tăng thêm của ngành NGK giảm 5.650 tỷ đồng, giảm 0,772%.

CIEM: Dự thảo thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường có thể khiến GDP thiệt hại hơn 40.000 tỷ đồng
Tác động của Thuế TTĐB 10% đối với Giá trị Sản xuất và Giá trị Tăng thêm của ngành NGK có đường - Nguồn: Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tính toán từ bảng I-O 2022.

Một tác động đáng lưu ý khác là mối liên kết chặt chẽ của ngành NGK với các ngành khác trong nền kinh tế, đặc biệt là ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú. Theo CIEM, sự sụt giảm giá trị sản xuất ngành NGK và các ngành liên quan khiến toàn bộ nền kinh tế giảm 0,164% giá trị sản xuất, tương đương 55.519 tỷ đồng, dẫn đến mức giảm GDP ước tính khoảng 42.570 tỷ đồng.

CIEM ước tính, việc áp dụng thuế suất 10% có thể khiến doanh nghiệp NGK gặp khó khăn hơn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, do chi phí sản xuất tăng lên và nhu cầu tiêu dùng giảm. Kéo theo đó là sự giảm sút về lợi nhuận doanh nghiệp với mức giảm khoảng 0,561% và giảm thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tới 2.152 tỷ đồng. Việc thu hẹp sản xuất sẽ làm giảm khấu hao tài sản cố định, dẫn đến giảm nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, khiến ngân sách nhà nước mất đi một khoản thu đáng kể.

CIEM cũng nhấn mạnh rằng tác động tiêu cực của thuế TTĐB này sẽ không chỉ dừng ở doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới thu nhập và việc làm của người lao động trong ngành và các ngành liên kết. Tổng thu nhập của người lao động ước tính sẽ giảm 0,6%, tương đương mức giảm 34.534 tỷ đồng. Điều này khiến người lao động trong ngành đối mặt với nguy cơ mất việc làm hoặc phải chịu mức lương thấp hơn.

Theo CIEM, mục tiêu của thuế TTĐB là nhằm giảm tiêu thụ NGK có đường, từ đó cải thiện sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng việc tăng thuế TTĐB có thể không hoàn toàn đạt được mục tiêu này, vì nhu cầu tiêu thụ NGK có thể không linh hoạt như mong đợi. Người tiêu dùng có thể vẫn lựa chọn các sản phẩm NGK hoặc chuyển sang các loại đồ uống thay thế mà chưa chắc có lợi hơn cho sức khỏe.

CIEM đề xuất lựa chọn phương án áp thuế TTĐB 5% thay vì 10%, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực trong ngắn hạn và giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để điều chỉnh, cơ cấu lại hoạt động sản xuất. Theo báo cáo, phương án 5% vẫn có tác động tiêu cực nhưng ở mức độ nhẹ hơn, đồng thời giúp ổn định nền kinh tế và bảo vệ lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, CIEM cũng khuyến nghị việc áp dụng mức thuế 5% có thể triển khai từ năm 2028, thay vì năm 2026, nhằm cho phép doanh nghiệp chuẩn bị và thích ứng kịp thời.

CIEM: Dự thảo thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường có thể khiến GDP thiệt hại hơn 40.000 tỷ đồng
So sánh tỷ lệ thay đổi giá trị sản xuất và Giá trị tăng thêm của ngành NGK có đường theo các phương án Thuế TTĐB 5% và 10% - Nguồn: Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tính toán từ bảng I-O 2022.

Dự thảo áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường là một động thái nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng, nhưng cũng cần xem xét kỹ lưỡng các tác động phụ đến nền kinh tế và người lao động. Theo phân tích của CIEM, để đạt được mục tiêu đề ra mà không gây khó khăn thêm cho nền kinh tế, Chính phủ nên cân nhắc một mức thuế phù hợp và lộ trình thực hiện khả thi.

>> Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Cú hích 0,97 điểm % cho GDP và tương lai nền kinh tế Việt Nam

Áp dụng thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát: Vẫn gây tranh cãi

Tăng thuế TTĐB: Nhà nước thất thu, doanh nghiệp đối diện “cú sốc”

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ciem-du-thao-thue-ttdb-doi-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-co-the-khien-gdp-thiet-hai-hon-40000-ty-dong-256840.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    CIEM: Dự thảo thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường có thể khiến GDP thiệt hại hơn 40.000 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH