Chứng khoán

Cổ đông Vinaconex (VCG) chờ gì khi sân bay Long Thành bước vào giai đoạn tăng tốc?

Quốc Trung 02/04/2025 - 10:23

Trong cuộc họp đại hội sắp tới, câu hỏi lớn đặt ra không chỉ là “Vinaconex sẽ xây gì tiếp theo?”, mà là “Vinaconex sẽ chia gì cho cổ đông và giữ lại bao nhiêu để đi xa hơn?”.

Với gần 40.000 cổ đông – một trong những doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn nhất thị trường – Tổng CTCP Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) bước vào mùa đại hội thường niên 2025 trong bối cảnh thị trường xây dựng đang chuyển động mạnh nhờ làn sóng đầu tư công, trong đó sân bay Long Thành là một từ khóa quan trọng.

Sức ép niềm tin từ 40.000 cổ đông

Vinaconex không xa lạ với những dự án tầm cỡ. Trong danh mục các công trình trúng thầu, hiếm có năm nào dày đặc như 2024: đường cao tốc Bắc – Nam, cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, các gói thầu tại sân bay Long Thành, mở rộng nhà ga T2 – Nội Bài, cùng hàng loạt dự án hạ tầng công nghiệp gắn với dòng vốn FDI. Tổng giá trị trúng thầu và ký mới trong năm qua đạt hơn 11.600 tỷ đồng, là cơ sở quan trọng để công ty đặt mục tiêu doanh thu 15.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.200 tỷ, tăng lần lượt 18% và 8% trong năm 2025.

Cổ đông Vinaconex (VCG) chờ gì khi sân bay Long Thành bước vào giai đoạn tăng tốc?
Nguồn: Tài liệu ĐHCĐ thường niên 2025 của VCG

Với quy mô cổ đông tương đương một công ty đại chúng cỡ lớn trong ngành ngân hàng hay tiêu dùng, Vinaconex đang đối mặt áp lực kép: Vừa phải duy trì hiệu quả tài chính, vừa bảo toàn sự ổn định về niềm tin cổ đông nhỏ lẻ – lực lượng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong cấu trúc sở hữu.

Việc công ty duy trì tỷ lệ cổ tức 16% – tương đương năm trước – được xem là tín hiệu tích cực giữa bối cảnh thị trường xây dựng và bất động sản vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Nhiều doanh nghiệp cùng ngành đã buộc phải cắt giảm mạnh cổ tức hoặc lùi kế hoạch chi trả.

Với những cổ đông đồng hành lâu dài, thông điệp của Ban lãnh đạo Vinaconex là rõ ràng: Giữ vững dòng tiền từ mảng xây dựng, tiếp tục tái đầu tư có chọn lọc ở các lĩnh vực khác, nhưng không buông lỏng quyền lợi cổ đông.

Tại thời điểm hiện tại, cổ phiếu VCG giao dịch quanh mức 22.000 đồng – tương đương vùng giá của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mã này đã tăng khoảng 28% chỉ trong hơn hai tháng trở lại đây.

Động lực chính đến từ kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024. Dù doanh thu chỉ nhích nhẹ lên 12.870 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của Vinaconex tăng gần gấp ba, đạt 1.109 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ khi cổ phần hóa. Kết quả này phản ánh dấu ấn rõ nét từ việc tham gia hàng loạt dự án hạ tầng lớn, trong đó nổi bật là sân bay Long Thành, cũng như sự thích ứng linh hoạt trong chiến lược vận hành của ban lãnh đạo.

Cổ đông Vinaconex (VCG) chờ gì khi sân bay Long Thành bước vào giai đoạn tăng tốc?
Công trường nhà ga hành khách sân bay Long Thành (Nguồn ảnh: TTXVN)

Sân bay Long Thành – “bệ phóng” hay thử thách?

Gói thầu mà Vinaconex tham gia tại sân bay Long Thành là một phần trong chiến lược “bám trục” đầu tư công, nơi mà công ty có thế mạnh thi công hạ tầng kỹ thuật, đường băng, nhà ga. Dự án này không chỉ mang lại giá trị doanh thu lớn, mà còn góp phần nâng tầm thương hiệu của Vinaconex trong vai trò tổng thầu công trình quốc gia.

Kể từ năm 2023 tới nay, Vinaconex đã ghi dấu ấn ở loạt gói thầu lớn, đáng chú ý nhất là gói thầu 5.10 (giá trị hơn 35.000 tỷ đồng) với tư cách thành viên liên danh VIETUR.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong nhiều chỉ đạo từ đầu năm 2025 đã yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành cơ bản giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành trong năm nay.

Theo Ban Quản lý dự án, hiện công trường sân bay Long Thành có gần 13.000 nhân lực và máy móc hoạt động, với hàng trăm mũi thi công được triển khai đồng loạt, tiến độ tổng thể được đảm bảo.

Trong đó, hạng mục quan trọng nhất – nhà ga hành khách (gói thầu 5.10) – đã hoàn tất kết cấu bê tông cốt thép phần ngầm và 4 tầng nổi, hiện đang lắp đặt kết cấu thép, vách kính mặt dựng và hệ thống thiết bị bên trong. Dự kiến đến cuối tháng 12/2025, nhà ga sẽ cơ bản hoàn thành phần xây dựng.

Ngoài ra, các hạng mục phụ trợ như nhà để xe, hệ thống cấp nhiên liệu cho tàu bay và giao thông nội cảng cũng được đặt mục tiêu hoàn tất trong năm nay.

Bên cạnh bài toán về tiến độ, nhiều rủi ro (có thể) đang chờ Vinaconex: Chi phí tài chính tăng, tiến độ phụ thuộc vào nhiều bên, áp lực về nhân công – nguyên vật liệu… Do đó, với cổ đông VCG, điều chờ đợi không chỉ là “vinh dự” thi công sân bay, mà là khả năng chuyển hóa thành dòng tiền thực và biên lợi nhuận giữ vững trong điều kiện biến động giá đầu vào.

Kịch bản nào sau đại hội?

Từ một tổng công ty Nhà nước đến một tập đoàn đa ngành, hành trình của Vinaconex gắn liền với những bước ngoặt thị trường. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, sức nặng đến từ 40.000 cổ đông – rất nhiều trong só đó là cổ đông nhỏ lẻ – khiến Vinaconex không thể chỉ hướng tới những câu chuyện dài hạn. Thị trường đang cần những kết quả rõ ràng, dòng tiền thực, nhất là từ những đại dự án như sân bay Long Thành.

Trong cuộc họp đại hội sắp tới, câu hỏi lớn đặt ra không chỉ là “Vinaconex sẽ xây gì tiếp theo?”, mà là “Vinaconex sẽ chia gì cho cổ đông và giữ lại bao nhiêu để đi xa hơn?”.

>> Coteccons - Vinaconex - Hancorp 'tranh đấu' gói thầu hơn 4.100 tỷ đồng tại sân bay Long Thành

Siêu dự án điện hạt nhân được tái khởi động, Vinaconex (VCG) vạch kế hoạch tham gia

Thành viên HĐQT Vinaconex (VCG) bất ngờ từ nhiệm ngay trước thềm Đại hội cổ đông

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-dong-vinaconex-vcg-cho-gi-khi-san-bay-long-thanh-buoc-vao-giai-doan-tang-toc-285442.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cổ đông Vinaconex (VCG) chờ gì khi sân bay Long Thành bước vào giai đoạn tăng tốc?
    POWERED BY ONECMS & INTECH