Thị trường chứng khoán kết phiên đầu tuần chìm trong sắc đỏ khi gần 60 điểm về mốc 1.216, vốn hóa sàn HoSE 'bốc hơi' 244.000 tỷ đồng. Nhiều nhận định được đưa ra về rủi ro và cơ hội trong nhịp thị trường điều chỉnh.
Thị trường chứng khoán trải qua phiên giao dịch đầu tuần biến động mạnh với áp lực bán mạnh trên diện rộng. Sắc đỏ phủ kín bảng điện với 885 mã giảm, trong đó có đến 160 mã giảm kịch sàn. Kết phiên, VN-Index giảm gần 60 điểm, “bay hơi” gần 10 tỷ USD vốn hóa trên sàn HoSE.
Trước đó, nhiều CTCK như Vietcap, VCBS, BSC, KBSV,... đã cùng chung nhận định về xu hướng tích cực của thị trường trong tuần 15-19/4. Theo Chứng khoán Vietcap, VN-Index có thể sẽ tăng và kiểm định mốc đỉnh gần nhất tại 1.290 - 1.295 điểm trước khi xuất hiện sự rung lắc tại đây. Mặc dù vậy, với mức đáy cao hơn vừa thiết lập (tại 1.250 điểm so với 1.235 điểm trong tháng 3), Vietcap thấy có khả năng VN-Index sẽ vượt đỉnh gần nhất để tăng lên 1.305 - 1.310 điểm.
Tuy nhiên, cú sốc giảm gần 60 điểm của thị trường phiên hôm nay cũng khiến giới đầu tư bất ngờ. Nhiều nguyên nhân đã được đặt ra để lý giải cho “cú sốc” giảm sâu của thị trường chứng khoán trong phiên ngày 15/4.
VN-Index "bốc hơi" gần 60 điểm trước sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư |
Huyền thoại Peter Lynch từng nói: “Ngay cả trong bull market, thị trường vẫn sẽ có những đợt giảm giá mạnh. Việc chúng ta cố gắng dự đoán hướng đi của nó trong thời gian tới là vô ích.”
Đồng quan điểm, FinSuccess - một trong những đơn vị cung cấp giải pháp tài chính hàng đầu tại VIệt Nam, nhận định rằng nhịp chỉnh sâu sẽ là điều tất yếu cho thị trường và đây sẽ là cơ hội cần nắm bắt của nhiều nhà đầu tư.
Theo đó, FinSuccess nhìn vào 2 yếu tố sau để đánh giá những cơ hội của thị trường trong thời gian tới:
(1) Xu hướng tăng trưởng doanh nghiệp: Lợi nhuận của các công ty đang có xu hướng hồi phục từ cuối 2023 và kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong 2024. Bên cạnh đó, những tín hiệu hồi phục đầu tiên của nền kinh tế như tăng trưởng tín dụng, doanh số bán dự án bất động sản, số liệu phục hồi xuất khẩu…sẽ là động lực tăng giá dài hạn cho VN-Index.
(2) Định giá: Chỉ số P/E tính đến cuối phiên ngày 15/4 là 14,5 lần, ngang với trung bình trong quá khứ chưa tính tới xu hướng hồi phục lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi đó, định giá P/B là 1,85 - thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,1 trong quá khứ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đánh giá về rủi ro thị trường và cơ hội giải ngân cổ phiếu: "VN-Index khó có khả năng "thủng" 1.200 điểm vì rủi ro chưa đủ lớn để kích hoạt xu hướng giảm sâu như vậy. Với nhà đầu tư vẫn đang cầm cổ phiếu, nếu không áp lực margin thì không nên bán tháo. Nhà đầu tư có tiền mặt cao thì chưa vội giải ngân, thay vào đó nên chờ đợi nhịp cân bằng tại vùng 1.200-1.210 để mua thăm dò với tỷ trọng thấp".
>> Vốn hóa sàn HoSE ‘bốc hơi' 244.000 tỷ đồng, nguyên nhân giảm do đâu?