Phiên 15/4: Vốn hóa sàn HoSE ‘bốc hơi' 244.000 tỷ đồng, nguyên nhân giảm do đâu?
Thị trường chứng khoán kết phiên đầu tuần chìm trong sắc đỏ khi “bốc hơi” gần 60 điểm về mốc 1.216 với gần 160 mã cổ phiếu nằm sàn, vốn hóa bay 244.000 tỷ đồng trong phiên 15/4.
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch đầu tuần đầy sóng gió. Áp lực bán dâng cao sau 14h khiến cho nhiều cổ phiếu giảm mạnh với gần 160 mã cổ phiếu giảm sàn.
Nhiều cổ phiếu trụ lao dốc mạnh trong khi không xuất hiện lực nâng nào đủ lớn để “gánh” chỉ số. VN-Index giảm mạnh về cuối phiên, bốc hơi gần 60 điểm và nhanh chóng rơi về mốc 1.216 điểm.
VN-Index bốc hơn gần 60 điểm trong phiên ngày 15/4/2024 |
Có nhiều nguyên nhân có thể đưa ra cho đà giảm của thị trường ngày hôm nay trên 2 khía cạnh:
Bối cảnh thế giới
Cuối tuần qua, căng thẳng giữa Iran – Israel có xu hướng leo thang khi Iran vừa phát động cuộc tấn công quân sự trực tiếp đầu tiên chống lại Israel. Theo đó, cuộc tấn công trả đũa bằng máy bay không người lái và tên lửa của nước này nhằm vào Israel sáng sớm ngày 14/4 đã "giáng những đòn nặng nề" vào căn cứ không quân của Israel ở sa mạc Negev. Iran đã phóng hơn 200 vật thể về phía Israel song đợt tấn công vẫn chưa chấm dứt.
Ngay sau đó, cuộc họp Nội các chiến tranh Israel kết thúc vào tối ngày 14/4 mà chưa đi đến nhất trí về cách thức, thời điểm đáp trả đòn tập kích của Iran, dù tuyên bố sẽ hành động. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc - Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng trên khắp Trung Đông "với mức tàn phá lớn" trên quy mô lớn trên nhiều mặt trận ở Trung Đông.
Bên cạnh đó, thông tin về lạm phát Mỹ bất ngờ tăng tốc trở lại (tăng 3,5% trong tháng 3) đã dấy lên lo ngại về quyết định cắt giảm lãi suất của FED trong thời gian tới.
Theo đó, Chứng khoán Mỹ cũng có đà giảm khi những lo ngại về lạm phát và địa chính trị một lần nữa làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư trên Phố Wall. Chỉ trong 1 tuần, S&P 500 mất 1,56% và Dow Jones sụt 2,37%, còn Nasdaq Composite giảm 0,45%.
Diễn biến trong nước...
Sự thận trọng của FED trong bối cảnh NHTW Thụy Sỹ đã nới lỏng chính sách tiền tệ đã khiến chỉ số DXY có xu hướng tăng trở lại từ giữa tháng 3/2024 bên cạnh tình trạng chênh lệch lãi suất VND-USD trong nước tiếp tục duy trì đã gây áp lực lớn lên tỷ giá USD/VND.
Diến biến USD-Index trong 5 năm trở lại đây |
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá USD/VND đã tăng lên đỉnh cao mới, chạm ngưỡng 25.230 VND/USD. Đồng Việt Nam đã mất giá 3,0% so với USD tương đương với mức giảm với các đồng tiền khác trong khu vực như JPY (-7,5%), THB (-6,8%), KRW (-4,2%) và TWD (-4,4%).
Việc tỷ giá liên tục tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 11.550 tỷ đồng trên cả 3 sàn tương đương 50,62% tổng giá trị bán ròng của cả năm 2023.
Nhìn chung lại, các yếu tố tiêu cực về thị trường thế giới và trong nước cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.
>> 160 cổ phiếu nằm sàn, VN-Index có phiên giảm mạnh nhất 2 năm