Xã hội

Cố nhạc sĩ là tác giả ca khúc ‘Đất nước trọn niềm vui’: Chưa từng thấy Sài Gòn nhưng vẫn viết nên khúc khải hoàn của dân tộc

Hải Châu 02/05/2025 00:02

Lúc sáng tác ca khúc này, cố nhạc sĩ đang ở Hà Nội, mãi đến năm 1977 ông mới đặt chân đến Sài Gòn.

Chủ nhân của nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng

Nhạc sĩ Hoàng Hà, tên thật là Hoàng Phi Hồng (1929-2013), quê gốc tại Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Từ năm 16 tuổi, ông đã làm việc tại văn phòng tỉnh bộ Việt Minh ở Phúc Yên và gắn bó sâu sắc với công tác văn hóa tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Cố nhạc sĩ là tác giả ca khúc ‘Đất nước trọn niềm vui’: Chưa từng thấy Sài Gòn nhưng vẫn viết nên khúc khải hoàn của dân tộc - ảnh 1
Nhạc sĩ Hoàng Hà. Ảnh tư liệu

Năm 1962, ông theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), sau đó về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi ông dành nhiều tâm huyết và để lại nhiều tác phẩm âm nhạc giá trị.

Trước khi viết “Đất nước trọn niềm vui”, ông đã được biết đến với nhiều ca khúc như “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì”, “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”... Tuy nhiên, chính “Đất nước trọn niềm vui” mới thực sự khẳng định mạnh mẽ tài năng của ông và chiếm trọn tình cảm của đông đảo khán giả cả nước, trở thành nhạc phẩm sống cùng năm tháng.

“Đất nước trọn niềm vui” là một trong những biểu tượng âm nhạc gắn liền với ngày đại thắng 30/4. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng ca khúc ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, được viết từ "khát vọng trong tâm hồn" của nhạc sĩ Hoàng Hà, trước cả khi những cảnh cờ hoa mừng chiến thắng chính thức diễn ra.

Cố nhạc sĩ là tác giả ca khúc ‘Đất nước trọn niềm vui’: Chưa từng thấy Sài Gòn nhưng vẫn viết nên khúc khải hoàn của dân tộc - ảnh 2
Khi sáng tác “Đất nước trọn niềm vui”, nhạc sĩ Hoàng Hà đang ở Hà Nội, mãi đến năm 1977 ông mới đặt chân đến Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Vào những ngày cuối tháng 4/1975, không khí tại Hà Nội vô cùng sôi động. Người dân cả nước, đặc biệt là người dân Thủ đô, theo dõi sát sao từng giờ, từng phút về diễn biến chiến sự ở miền Nam.

Nhạc sĩ Hoàng Hà cũng không nằm ngoài mạch cảm xúc ấy. Khi đó, ông đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), một môi trường cho phép ông tiếp cận nhanh chóng với nguồn tin thời sự. Nhiều ngày liền, ông không trở về nhà mà ở lại cơ quan, cùng đồng nghiệp sống trong bầu không khí "hừng hực một quyết tâm, một niềm tin tất thắng".

Những thông tin từ mặt trận báo về dồn dập, cho thấy quân ta đang tiến như vũ bão về Sài Gòn. Khoảnh khắc khi tin chiến thắng liên tiếp được loan báo, báo hiệu ngày vui trọng đại của dân tộc đang đến gần, đã khơi dậy trong ông một dòng cảm xúc mạnh mẽ. Niềm xúc động và hạnh phúc dâng trào trong tâm hồn người nhạc sĩ đã thôi thúc ông cầm bút.

Cố nhạc sĩ là tác giả ca khúc ‘Đất nước trọn niềm vui’: Chưa từng thấy Sài Gòn nhưng vẫn viết nên khúc khải hoàn của dân tộc - ảnh 3
Nhạc sĩ Hoàng Hà thời trẻ. Ảnh tư liệu

Ngay trong đêm 26/4/1975, tại nhà riêng ở Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Hà viết nên ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”. Đó là lời bày tỏ chân thành, là cảm xúc hân hoan từ trái tim ông, phản ánh trọn vẹn niềm hạnh phúc khi đất nước chuẩn bị hoàn toàn giải phóng, khi non sông sắp thu về một mối.

Ca khúc mang giai điệu rộn ràng, tươi sáng, ca từ hân hoan và đầy khí thế, thể hiện rõ qua những dòng nhạc: “Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng”.

Cố nhạc sĩ là tác giả ca khúc ‘Đất nước trọn niềm vui’: Chưa từng thấy Sài Gòn nhưng vẫn viết nên khúc khải hoàn của dân tộc - ảnh 4
Cố nhạc sĩ Hoàng Hà và vợ trong ngày cưới. Ảnh tư liệu

Biểu tượng âm nhạc ngày Đại thắng của dân tộc ta

Nói về ''lai lịch'' ca khúc, sinh thời nhạc sĩ Hoàng Hà từng chia sẻ: "Chỉ đến ngày 26/4/1975, tôi mới biết chiến dịch đánh thẳng vào Sài Gòn được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi rất xúc động, nghĩ một khi chiến dịch được mang tên Bác thì không thể không chiến thắng và ngay trong đêm đó tôi viết "Đất nước trọn niềm vui" với những câu nghĩ về Bác: Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông. Rạo rực thay hôm nay Bác vui với hội toàn dân...".

Cố nhạc sĩ là tác giả ca khúc ‘Đất nước trọn niềm vui’: Chưa từng thấy Sài Gòn nhưng vẫn viết nên khúc khải hoàn của dân tộc - ảnh 5
Nhạc sĩ Hoàng Hà viết ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" vào ngày 26/4/1975. Ảnh tư liệu

Sáng 27/4/1975, bản thảo ca khúc được nhạc sĩ Hoàng Hà đem đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Tác phẩm nhanh chóng được đón nhận. Nhạc sĩ Nguyễn An, Tổ trưởng Biên tập nhạc thời điểm đó, đã đọc, duyệt và giao cho nhạc sĩ Triều Dâng gấp rút hòa âm phối khí để kịp phát sóng. Ca sĩ đầu tiên thể hiện ca khúc là nghệ sĩ Trung Kiên, người sau này được phong tặng danh hiệu NSND.

Một chi tiết đáng chú ý là khi sáng tác bài hát, nhạc sĩ Hoàng Hà chưa từng chứng kiến bằng mắt cảnh “rừng cờ chiến thắng hay cảnh muôn ánh sao vàng cờ đỏ tung bay” trên các tuyến phố Sài Gòn. Niềm vui mà ông chuyển tải trong tác phẩm là niềm vui nội tâm, là giấc mơ và khát vọng thống nhất cháy bỏng.

Ông tin rằng niềm vui ấy không chỉ là của riêng mình, mà là cảm xúc chung của hàng triệu người dân Việt Nam đang hướng về chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, khi tin vui lan nhanh khắp mọi miền Tổ quốc.

Theo chia sẻ của ông, thời gian sáng tác bài hát chỉ vỏn vẹn trong một ngày, nhưng là kết tinh của cả một hành trình dài, là chắt lọc của cả một đời người. Khi ca khúc ra đời, ông vẫn đang ở Hà Nội. Phải đến năm 1977, nhạc sĩ Hoàng Hà mới lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn.

Cố nhạc sĩ là tác giả ca khúc ‘Đất nước trọn niềm vui’: Chưa từng thấy Sài Gòn nhưng vẫn viết nên khúc khải hoàn của dân tộc - ảnh 6
Nhạc sĩ Hoàng Hà trong chương trình 30 năm Đoàn giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh tư liệu

Bản thu âm đầu tiên của “Đất nước trọn niềm vui” nhanh chóng được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, lan tỏa không khí hân hoan khắp cả nước. Sau đó, bài hát còn được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng vào sáng ngày 1/5/1975, cùng với ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, góp phần khuếch đại niềm vui thống nhất trên khắp miền Nam vừa được giải phóng.

Nếu “Như có Bác trong ngày đại thắng” là đỉnh cao trong thể loại ca khúc quần chúng, thì “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà cũng đạt tầm vóc tương đương trong dòng ca khúc nghệ thuật. Giai điệu trong bài như “niềm vui đã được dồn nén lâu lắm rồi”, giờ đây gặp thời khắc lịch sử đã “vang lên từng nhịp”.

Ca từ trong sáng, rộn ràng, gợi cảm xúc “nhảy múa hát ca”, “reo rắc niềm vui” tới người nghe, người hát, với “niềm vui lấp lánh trên mỗi ca từ”. Chính điều đó đã giúp ca khúc dễ dàng đi vào lòng công chúng và sống mãi cùng năm tháng.

Không chỉ đơn thuần là một tác phẩm âm nhạc, “Đất nước trọn niềm vui” còn là chứng nhân lịch sử, là biểu tượng âm thanh của ngày non sông thống nhất. Tên bài hát đã được chọn làm tiêu đề cho một tuyển tập nhạc xuất bản năm 1975 và tái bản vào năm 1985 về đề tài 30/4/1975, phản ánh tầm vóc và giá trị lịch sử sâu sắc của ca khúc bất hủ này.

>> Nhạc sĩ đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh: Tác giả nhiều bản hùng ca nổi tiếng, được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khen là ‘chứng tích sống’ cho tâm hồn, bản sắc và khát vọng của cả dân tộc

Nam nhạc sĩ Việt Nam là cha đẻ của ca khúc nổi tiếng hút 1,5 tỷ lượt xem, khiến ai nấy xúc động khi vang lên trong ngày diễu binh 30/4

Nam nhạc sĩ là cha đẻ của ca khúc nổi tiếng cả nước nhưng ít người nhắc tên, 49 năm sau dân ta vẫn hát vang mỗi dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/co-nhac-si-la-tac-gia-ca-khuc-dat-nuoc-tron-niem-vui-chua-tung-thay-sai-gon-nhung-van-viet-nen-khuc-khai-hoan-cua-dan-toc-141502.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cố nhạc sĩ là tác giả ca khúc ‘Đất nước trọn niềm vui’: Chưa từng thấy Sài Gòn nhưng vẫn viết nên khúc khải hoàn của dân tộc
    POWERED BY ONECMS & INTECH