Xã hội

Nghệ sĩ thể hiện ca khúc ‘Tiến về Sài Gòn’ vào 30/4/1975: Thuộc thế hệ đầu của dòng nhạc cách mạng Việt Nam, cả sự nghiệp gắn liền với 2 cuộc kháng chiến của dân tộc

Hải Châu 29/04/2025 15:36

Cố nghệ sĩ là người đầu tiên thể hiện ca khúc "Tiến về Sài Gòn" trên sóng phát thanh vào ngày 30/4/1975.

NSƯT Quang Hưng (1934-2014) là một ca sĩ nổi tiếng thuộc thế hệ đầu tiên của âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Ông tên thật là Lê Quang Hưng, sinh năm 1934 tại Đan Loan, Bình Giang, Hải Dương, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Cha của ông, cụ Lê Phổ Văn, giỏi cả Nho học lẫn Tây học, từng theo hầu cụ Phan Bội Châu. Mẹ ông, cụ Nguyễn Thị Hiên, là một giọng ca trù nổi tiếng của Hưng Yên đầu thế kỷ trước, vừa đàn giỏi lại hát hay.

Từ mẹ, Quang Hưng thừa hưởng tình yêu nghệ thuật, còn từ cha, ông tiếp nhận sự cứng cỏi và bản lĩnh, những phẩm chất ấy thể hiện rõ nét trong cả giọng hát và tính cách của ông.

Nghệ sĩ thể hiện ca khúc ‘Tiến về Sài Gòn’ vào 30/4/1975: Thuộc thế hệ đầu của dòng nhạc cách mạng Việt Nam, cả sự nghiệp gắn liền với 2 cuộc kháng chiến của dân tộc - ảnh 1
NSƯT Quang Hưng - giọng ca tiêu biểu của thế hệ đầu âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu

Ông từng được đồng nghiệp và các chiến sĩ mệnh danh là “Chim sơn ca của các chiến lũy”. Với giọng ca nội lực, ông đoạt giải nhất cuộc thi hát toàn quân và đảm nhận vai nam chính trong vở nhạc kịch “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận khi vở này lần đầu tiên được dàn dựng. Ngoài ra, ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá trong sự nghiệp của mình.

Giọng ca của cố nghệ sĩ Quang Hưng được NSND Quang Thọ nhận xét là chất giọng thép, giàu tính học thuật. Không chỉ nổi bật bởi giọng ca mạnh mẽ, ông còn đi vào lịch sử khi là người đầu tiên thể hiện ca khúc “Tiến về Sài Gòn” trên sóng phát thanh vào thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc.

Nghệ sĩ thể hiện ca khúc ‘Tiến về Sài Gòn’ vào 30/4/1975: Thuộc thế hệ đầu của dòng nhạc cách mạng Việt Nam, cả sự nghiệp gắn liền với 2 cuộc kháng chiến của dân tộc - ảnh 2
Một lần biểu diễn của NSƯT Quang Hưng. Ảnh tư liệu

Sự nghiệp ca hát của ông bắt đầu từ năm 13 tuổi, sau đó ông trở thành chiến sĩ - ca sĩ, trực tiếp có mặt ở nhiều mặt trận để phục vụ các chiến sĩ. Năm 1955, ông đoạt giải nhất cuộc thi hát toàn quân “Người lính hát hay và hay hát” và được cử tham dự Liên hoan Thanh niên sinh viên Thế giới lần thứ sáu tổ chức tại Liên Xô (cũ) năm 1957, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của ông.

Năm 1967, khi chuẩn bị cùng Đoàn ca múa Quân giải phóng đi lưu diễn ở nước ngoài, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã trao cho Quang Hưng bản nhạc “Tiến về Sài Gòn”, yêu cầu ông thu âm bài hát bằng giọng miền Nam. Dù xuất thân từ miền Bắc, Quang Hưng đã kiên trì luyện tập phát âm giọng Nam chỉ trong hai ngày để thể hiện đúng tinh thần bài hát.

Sau khi thu âm thành công, băng cát-xét mang vào chiến trường Sài Gòn không may bị thất lạc. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cất cuộn băng thứ hai vào hộp đạn, giấu trong thùng gạo để bí mật chuyển vào chiến trường.

Nghệ sĩ thể hiện ca khúc ‘Tiến về Sài Gòn’ vào 30/4/1975: Thuộc thế hệ đầu của dòng nhạc cách mạng Việt Nam, cả sự nghiệp gắn liền với 2 cuộc kháng chiến của dân tộc - ảnh 3
NSƯT Quang Hưng, (người đội mũ nồi) chụp cùng đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Trưa ngày 30/4/1975, đúng 12 giờ 15 phút, tiếng nhạc hùng tráng của bài “Tiến về Sài Gòn” vang lên trên Đài Phát thanh Sài Gòn, đánh dấu thời khắc lịch sử khi quân ta tiến vào thành phố, chính thức kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thống nhất đất nước.

Ngoài “Tiến về Sài Gòn”, tên tuổi của Quang Hưng còn gắn với những ca khúc quen thuộc như “Anh quân bưu vui tính” (Đàm Thanh), “Bài ca Hồ Chí Minh” (Ewan MacColl), “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Trường ca sông Lô” (Văn Cao)...

Ông đã tham gia nhiều chương trình biểu diễn trong và ngoài nước, góp phần lan tỏa âm nhạc cách mạng Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Trong sự nghiệp của mình, ông đã được trao tặng Huân chương Chiến thắng hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Với những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, Quang Hưng được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

Nghệ sĩ thể hiện ca khúc ‘Tiến về Sài Gòn’ vào 30/4/1975: Thuộc thế hệ đầu của dòng nhạc cách mạng Việt Nam, cả sự nghiệp gắn liền với 2 cuộc kháng chiến của dân tộc - ảnh 4
Hình ảnh NSƯT Quang Hưng trong thời kỳ hoạt động nghệ thuật sôi nổi. Ảnh tư liệu

Vào tháng 1/2014, NSƯT Quang Hưng qua đời tại Hà Nội do tuổi già sức yếu, hưởng thọ 80 tuổi. Sự ra đi của ông để lại khoảng trống lớn trong lòng những người yêu âm nhạc cách mạng, nhưng những cống hiến của ông sẽ mãi là nguồn cảm hứng và bài học quý báu cho các thế hệ nghệ sĩ Việt Nam mai sau.

>> NSND là Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, từng đỗ cùng lúc 4 trường đại học, đời tư kín tiếng sau nên duyên với vợ kém 19 tuổi

Nam nhạc sĩ Việt Nam là cha đẻ của ca khúc nổi tiếng hút 1,5 tỷ lượt xem, khiến ai nấy xúc động khi vang lên trong ngày diễu binh 30/4

Nam nhạc sĩ là cha đẻ của ca khúc nổi tiếng cả nước nhưng ít người nhắc tên, 49 năm sau dân ta vẫn hát vang mỗi dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/nghe-si-the-hien-ca-khuc-tien-ve-sai-gon-vao-3041975-thuoc-the-he-dau-cua-dong-nhac-cach-mang-viet-nam-ca-su-nghiep-gan-lien-voi-2-cuoc-khang-chien-cua-dan-toc-141258.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nghệ sĩ thể hiện ca khúc ‘Tiến về Sài Gòn’ vào 30/4/1975: Thuộc thế hệ đầu của dòng nhạc cách mạng Việt Nam, cả sự nghiệp gắn liền với 2 cuộc kháng chiến của dân tộc
    POWERED BY ONECMS & INTECH