CTCP Gỗ An Cường (Mã ACG - HOSE) vừa tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2022 vào ngày 23/12/2022 vừa qua.
Tại Đại hội, trước những băn khoăn của cổ đông về việc giá cổ phiếu giảm, tình trạng mất thanh khoản của ACG sau khi lên sàn HOSE, cũng như câu hỏi về việc triển khai kế hoạch tái cấu trúc để đạt mục tiêu vốn hóa 1 tỷ USD theo nội dung họp ĐHCĐ thường niên 2021, ông Lê Đức Nghĩa – Chủ tịch HĐQT cho biết công ty đang thực hiện cấu trúc về cải tiến phần mềm và số hóa.
Được biết gần 136 triệu cổ phiếu ACG chính thức chuyển giao dịch sang HOSE từ 10/10/2022 với giá tham chiếu 67.300 đồng/cổ phiếu. Kết phiên 23/12, thị giá ACG còn 35.000 đồng - giảm 48% so với mức giá khi chào sàn.
Ông Nghĩa giải thích lý do chính của tình trạng này là cơ cấu cổ đông của An Cường quá cô đặc.
“Bản thân tôi nắm hơn 51%, các cổ đông chiến lược như Sumimoto Forestry, Vina Capital nắm khoảng 40%, tổng cộng hơn 88% và hiện tại chưa có kế hoạch bán ra”, ông Nghĩa thông tin.
Ngoài ra, theo Chủ tịch của An Cường, trong thời gian qua, triển vọng ngành gỗ nói chung cũng bị đánh giá tiêu cực. Chính hai yếu tố này đã khiến giá cổ phiếu ACHG không phản ánh đúng giá trị công ty.
Chia sẻ về tình hình kinh doanh năm 2022, vị chủ tịch bật mí lợi nhuận năm 2022 sẽ đạt 600 tỷ đồng – tăng 35 - 40% so với năm 2021; mức cao nhất 5 năm.
Vào ngày 22/12, Gỗ An Cường đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 11 tháng đầu năm 2022 với doanh thu thuần đạt 3.950 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 553 tỷ đồng - tăng lần lượt 41% và 45,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, sau 9 tháng năm 2022, ACG ghi nhận doanh thu đạt gần 3.100 tỷ - tăng 40% YoY; lãi sau thuế 445 tỷ đồng - tăng 50%. Theo đó, công ty đã thực hiện được 73% kế hoạch doanh thu và gần 81% mục tiêu lãi sau thuế đặt ra sau 3 quý.
như vậy, dựa trên thông tin được chủ tịch công bố, quý 4 tới đây, Gỗ An Cường có thể thu về khoản lợi nhuận ròng tối thiểu 155 tỷ đồng - tương đương mức ghi nhận đột biến trong quý 4/2021.