Nếu nhà đầu tư chẳng may đu đỉnh 57.900 đồng (phiên 7/1/2022) thì hiện tại giá trị cổ phiếu trong danh mục đã "bốc hơi" tới 45% chỉ sau nửa tháng.
Cập nhật đến thời điểm 11h ngày 25/1/2022, cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (HOSE: CII) tiếp tục đáp sàn về mốc 31.700 đồng với khớp lệnh tạm tính hơn 11,3 triệu đơn vị.
Tạm tính, đây đã là phiên sàn thứ 9 của mã này kể từ sự kiện FLC và Tân Hoàng Minh ngày 10/1/2022. Tính chung, từ vùng giá 57.900 đồng hôm 7/1, cổ phiếu CII đã mất 26.200 đồng thị giá - tương ứng giảm hơn 45%.
Theo quan sát trong khoảng thời gian này, vẫn có hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn lệnh đặt mua (bắt đáy) cổ phiếu CII trong các phiên mã này giảm điểm như phiên 10 - 11 - 20 - 21 - 24/1. Trong khi đó, số lệnh đặt bán vẫn chiếm chủ đạo trong khoảng thời gian này với chênh lệch khối lượng đặt mua - đặt bán hàng chục triệu (phiên cao nhất là hơn 70,6 triệu ngày 14/1/2022).
Trong diễn biến tiêu cực của CII, loạt lãnh đạo, cổ đông doanh nghiệp đã kịp thoát hàng. Mới đây, bà nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng ban Kiểm toán nội bộ CII vừa báo cáo hoàn tất bán ra toàn bộ gần 291.000 cổ phiếu CII đang nắm giữ (tương ứng 0,12% vốn) theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Trước bà Hương, khoảng nửa đầu tháng 11/2021, lần lượt ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII và ông Dương Quang Châu, Giám đốc phòng quản lý dự án hạ tầng CII đã lần lượt bán ra 393.000 và 180.000 cổ phiếu CII.
Bên cạnh đó, cổ đông lớn đến từ nước ngoài là VIAC (No.1) Limited Partnership cũng đang "miệt mài" thoái bớt vốn tại CII khi thị giá đã tăng quá cao.
Cụ thể, Limited Partnership đã bán ra 2,5 triệu cổ phiếu trong tháng 11/2021; bán ra 5,5 triệu cổ phiếu trong tháng 12/2021; 5,5 triệu cổ phiếu trong ngày 4/1/2022.
Mới đây nhất, cổ đông ngoại này tiếp tục đăng ký bán ra 5,5 triệu cổ phiếu CII từ ngày 10/1 đến 8/2022 nhằm giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 2,59% vốn.