Sau 1 tháng, cổ phiếu CEO Group giảm 27%. Mã cũng vừa thiếp lập chuỗi giảm giá dài nhất kể từ nửa cuối tháng 4/2022.
Phiên sáng nay, trong khi các midcap nhóm bất động sản - xây dựng - hạ tầng như DIG, CII, LCG, DXG, DPG, HDC, VCG, KBC, NLG, FCN, BCG, HDG, IJC, TIG, SCR, HQC,... đều tăng tích cực thì CEO, NLT, DXS, DRH lại là các cổ phiếu bị bỏ lại.
Cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O giảm 2,4% về mức 20.100 đồng với 9,4 triệu đơn vị được sang tay.
Theo quan sát, thanh khoản cổ phiếu CEO bất ngờ tăng mạnh trong 7 phiên gần nhất và mã đã giảm giá trong cả 7 phiên này (-16%). Đây cũng là chuỗi giảm giá dài nhất kể từ nửa cuối tháng 4/2022.
Sau 1 tháng điều chỉnh, cổ phiếu CEO giảm 27% từ mức 27.600 đồng/cp phiên 7/6). Đây cũng là mức giảm mạnh nhất so với các midcap cùng ngành. Vậy cổ phiếu CEO giảm vì đâu?
Vì cổ đông không chất lượng?
Sáng ngày 30/6, CEO Group đã tổ chức bất thành ĐHCĐ thường niên 2023 ngay trong lần 1 khi chỉ có 35,42% số cổ phần có quyền biểu quyết dự họp. Thời điểm này, cổ phiếu CEO đang trong nhịp điều chỉnh và thị giá đã về dưới 24.000 đồng.
Nhấn mạnh rằng, tổng số cổ đông của CEO Group tại ngày chốt danh sách là 43.953. Tuy nhiên, công ty chỉ có duy nhất một cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Bình (sở hữu 27,4% vốn).
Như vậy, việc quân số đông nhưng không tập trung dễ gặp trạng thái Fomo tâm lý khi doanh nghiệp hoặc cổ phiếu xuất hiện thông tin không tích cực.
Chia sẻ tại Đại hội lần 1, ông Đoàn Văn Bình cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử ĐHCĐ của CEO Group không đủ điều kiện tiến hành ngay trong lần đầu. Trước đó năm 2022, tổng số cổ đông của CEO là 42.765 cổ đông; ĐHCĐ năm này “đông chưa từng thấy” với hơn 900 người tham dự; ban tổ chức phải bố trí 2 hội trường ở tầng 6 (tham gia trực tiếp) và tầng 9 (tham dự qua màn hình) để đủ chỗ ngồi cho cổ đông.
Vì cổ đông "lười đi họp"?
Thực tế không phải vậy! Ghi nhận tại tài liệu dự họp, phía CEO Group cho biết sẽ trình phương án chào bán 252,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; tỷ lệ phát hành là 98% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, cứ 100 quyền mua được mua 98 cổ phiếu mới). Giá chào bán được chốt là 10.000 đồng/cp - thấp hơn quá nửa so với giá hiện hành.
Số tiền thu được (khoảng 2.522 tỷ đồng) sẽ được dùng để đầu tư Dự án Khu biệt thự cao cấp Sonasea Residebces Phú Quốc (quy mô 170 ha, tổng mức đầu tư dự kiến là 12.600 tỷ đồng); tăng vốn cho các công ty con và bổ sung vốn lưu động.
Cổ phiếu CEO đang giảm giá và có thể bị pha loãng khi doanh nghiệp tiến hành tăng vốn là nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý "lười đi họp" của không ít cổ đông.
Ngày 20/7 tới đây, Tập đoàn C.E.O sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền mua cổ phiếu. Thực tế là lực bán ra đã liên tục gia tăng sát ngày chốt quyền (trung bình phiên từ 3.500 - 7.000 lệnh đặt bán; khối lượng tương ứng từ 10 - 19 triệu cổ phiếu).
Cổ phiếu CEO hiện chưa cho điểm mua thích hợp. Giao dịch của nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ liên tục tăng mạnh (hiện chiếm khoảng 60% tổng lượng khớp lệnh); sau giai đoạn giá lên, dòng tiền lớn đã gần như mất hút trong 2 tuần gần nhất.
Quý 1 thực hiện được 7,8% kế hoạch lãi năm
Về câu chuyện kinh doanh, năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của CEO đạt 2.626 tỷ đồng - tăng 110% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 310 tỷ đồng - tăng 278% YoY.
Sang năm 2023, công ty lên kế hoạch doanh thu ở mức 3.000 tỷ đồng và 315 tỷ lãi sau thuế, lần lượt tăng 14,2% và 2% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên quý 1, doanh nghiệp này báo lãi chỉ 24,7 tỷ đồng.
Theo tờ trình Đại hội, ban lãnh đạo CEO Group dự trình việc không chia cổ tức năm 2022 trong khi đề xuất trả tỷ lệ 5 - 10% cho năm 2023.
Diễn biến cập nhật, UBND TP. Hà Nội mới đây đã ra loạt văn bản yêu cầu kiểm tra, rà soát, xử lý do chậm tiến độ triển khai tại một số dự án của CEO Group nằm tại các huyện Quốc Oai và Mê Linh có diện tích lần lượt 24,4 ha và 20,2 ha.
Mới nhất, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Nghị quyết về việc chấm dứt việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh sau hơn 3 năm thực hiện thí điểm.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, 3 năm hoạt động thí điểm của Ban Quản lý KKT Vân Đồn đã thu hút thêm được hơn 37.826 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách - gấp 1,5 lần so với số vốn đăng ký trong giai đoạn trước đây cộng lại.
Việc triển khai công tác lập quy hoạch được quan tâm với 12 đồ án quy hoạch phân khu quan trọng được lập trong đó 9 đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt; 3 đồ án quy hoạch phân khu đã phê duyệt nhiệm vụ và đang tổ chức lập, trình duyệt; đã lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư mới. Tuy nhiên, quá trình hoạt động cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế.
Việc chấm dứt thí điểm được cho là có thể ảnh hưởng đến sách lược của một số nhà đầu tư.
CEO Group hiện đang đầu tư dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City có quy mô 358,5 ha tọa lạc tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn; tổng vốn đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng. Đây là tổ hợp nghỉ dưỡng bao gồm khách sạn quốc tế, căn hộ nghỉ dưỡng condotel, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển và trung tâm hội nghị quốc tế đồng thời là dự án trọng điểm của công ty.
Giai đoạn 1 của dự án có mức đầu tư 1.500 – 2.000 tỷ đồng được khởi công từ quý 3/2018. |
Xem thêm: Cổ phiếu HPG (Hòa Phát) đứt mạch tăng, nên mua tích lũy hay bán chốt lời?