Cổ phiếu có khả năng bị hủy niêm yết, chủ tịch nhanh tay bán sạch
Chậm nộp báo cáo tài chính và vi phạm công bố thông tin nhiều lần, cổ phiếu doanh nghiệp địa ốc có khả năng bị hủy bỏ niêm yết. Chủ tịch HĐQT công ty nhanh chóng bán sạch cổ phiếu trước khi ngừng giao dịch.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có văn bản thông báo về việc cổ phiếu TKC của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ có khả năng bị hủy bỏ niêm yết
Theo HNX, cổ phiếu TKC có khả năng bị hủy bỏ niêm yết do doanh nghiệp này vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở Giao dịch chứng khoán.
HNX sẽ xem xét tiến hành hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu TKC. HNX đề nghị TKC có văn bản phản hồi về vấn đề trên chậm nhất trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày ký thông báo (20/11).
Ngày 6/10, HNX đã có văn bản thông báo về việc duy trì diện bị kiểm soát, đưa vào diện bị hạn chế giao dịch và duy trì diện bị đình chỉ giao dịch với cổ phiếu TKC.
Nguyên nhân do TKC có vốn chủ sở hữu âm, tính trên báo cáo tài chính (BCTC) kỳ gần nhất. Tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2023 đã xoát xét quá 45 ngày so với thời gian quy định; chậm nộp BCTC năm 2022 có kiểm toán quá 6 tháng so với thời gian quy định, chậm nộp BCTC quý II/2023, Báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên 2023.
Ngoài ra, cổ phiếu TKC đang trong diện cảnh báo do doanh nghiệp này vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm và chưa họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Trước khi cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch ngày 22/9, ông Lê Đại Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, đã bán ra toàn bộ hơn 782.000 cổ phiếu. Ông Nghĩa có thể thu về hơn 1 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, từ cuối tháng 9 đến nay, giá cổ phiếu TKC “bất động” với 1.200 đồng/cp.
Tin doanh nghiệp niêm yết
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* MSH: Ngày 5/12, CTCP May Sông Hồng chốt giao dịch không hưởng quyền tạm ứng cổ tức năm 2023. Cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 25%, thanh toán bắt đầu từ ngày 22/12.
* HHV: Ngày 29/11, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền mua hơn 82,33 triệu cổ phiếu phát hành thêm theo tỷ lệ 4:1, với giá chào bán 10.000 đồng/cp.
* PPH: Tổng CTCP Phong Phú thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức 2023 bằng tiền mặt tỷ lệ 15%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/11, thời gian chi trả dự kiến vào 11/12.
* PNJ: CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận công bố kết quả kinh doanh tháng 10/2023, với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3.008 tỷ đồng và 193 tỷ đồng.
* BID: Ngày 29/11, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu để chia trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, trích lập các quỹ năm 2021. Tỷ lệ là 100:12,69, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 12,69 cổ phiếu mới.
* LHC: CTCP Phước Hòa mua vào hơn 760.000 cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi Lâm Đồng, tương ứng tỷ lệ 5,28% trong ngày 15/11.
* VMD: Ông Lê Đình Dương, cá nhân có liên quan đến ông Lê Xuân Tùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Y dược phẩm Vimedimex đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu, từ ngày 24/11-23/12 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* PVI: Funderburk Lighthouse Ltd, cổ đông lớn của CTCP PVI đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu PVI từ ngày 22/11-20/12 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* TIG: CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 16 triệu cổ phần sở hữu tại CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản và Năng lượng tái tạo Việt Nam, tương đương tỷ lệ 45,71%. Thời gian thực hiện trước quý II/2024.
VN-Index
Chốt phiên 21/11, VN-Index tăng 6,80 điểm (+0,62%), lên 1.110,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 712,6 triệu đơn vị, giá trị 14.882,5 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 2,02 điểm (+0,89%), lên 229,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 91,3 triệu đơn vị, giá trị 1.927,2 tỷ đồng.
UpCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,1%), lên 86,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,3 triệu đơn vị, giá trị 375,2 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Vietcombank, trong số các nhóm ngành thu hút được lực cầu tốt, nhóm cổ phiếu thép và dầu khí là hai nhóm có được mức tăng tốt nhất, xấp xỉ 1,3%.
Bên cạnh đó, việc thanh khoản mua chủ động cũng tìm đến hơn 20 mã cổ phiếu vốn hóa lớn, tạo tiền đề tích cực giúp cho thị trường giữ được nhịp tích lũy.
Về góc nhìn kỹ thuật, hầu hết các chỉ báo tại thời điểm hiện tại đều đang bẻ ngang và chưa cho tín hiệu mới. Với diễn biến hiện tại, VN-Index vẫn sẽ có xu hướng tích lũy, giao dịch với biên độ từ 1.090-1.130 điểm trong ngắn hạn.
Còn Chứng khoán SHS cho rằng, thị trường tiếp tục phục hồi tích cực sau phiên giảm điểm mạnh, VN-Index tăng 6,80 điểm, đóng cửa ở 1.110,46 điểm, duy trì trên vùng hỗ trợ 1.100 điểm và hướng đến đường giá trung bình MA200. Thị trường vẫn đang hình thành khu vực cân bằng cho quá trình tích lũy.
Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, với trạng thái hồi phục tích cực đang được duy trì, SHS cho rằng khu vực cân bằng mới để tích lũy có khả năng trong vùng 1.100-1.150 điểm. Tuy nhiên nhịp hồi phục này mang tính kỹ thuật với động lực tăng chưa thực sự bền vững.
Phiên 22/11: Công ty BĐS trong Top 9 vay nợ nhiều nhất được khối ngoại rót ròng 242 tỷ đồng
Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại