Cổ phiếu của chuỗi bán lẻ này đã tăng gần 300% kể từ khi bị huỷ niêm yết, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng 6 đạt 4,8 triệu USD.
Ngày 23/4, nhà bán lẻ đồ gia dụng 52 năm tuổi Bed Bath & Beyond cho biết công ty đã nộp đơn xin phá sản. Theo đơn nộp tại tòa, công ty dự kiến đóng cửa tất cả các cửa hàng trước ngày 30/6.
Cổ phiếu thăng hoa
Điều đáng ngạc nhiên là việc đánh mất sở hữu cái tên Bed, Bath & Beyond không làm nản lòng những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của hãng.
Cụ thể, cổ phiếu của công ty này đã tăng gần 300% kể từ khi bị huỷ niêm yết, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng 6 đạt 4,8 triệu USD.
Theo Bloomberg, trung bình khoảng 18 triệu cp Bed Bath & Beyond được sang tay mỗi ngày trên thị trường OTC kể từ khi hãng bán lẻ đồ gia dụng này phá sản. Những nhà đầu tư trên Reddit truyền tay nhau những giả thuyết mang tính đầu cơ cực cao về các kế hoạch xoay chuyển chuỗi bán lẻ này.
Giao dịch diễn ra sôi động hơn khi chứng khoán Mỹ thăng hoa trong 6 tháng đầu năm, riêng Nasdaq Composite đã tăng mạnh nhất trong 40 năm, bất chấp lãi suất đang ở mức cao. Diễn biến này đang làm dấy lên mối lo ngại rằng chứng khoán Mỹ đã quá “nóng” và được định giá quá cao.
“Đây có thể là một biến thể của hiện tượng cổ phiếu meme”, Anthony Chukumba, Chuyên viên phân tích tại Loop Capital Markets và trước đó theo sát công ty Bed, Bath & Beyond, cho hay.
“Chúng ta có thể tranh luận về giá trị thực sự của cổ phiếu Tesla hay GameStop vì các công ty này vẫn còn hoạt động”, ông cho biết. “Nhưng lại không thể bàn về Bed, Bath and Beyond vì không biết giá trị của cổ phiếu này là gì.”
Trái phiếu vô giá trị
Trong hồ sơ gửi lên tòa án hồi tháng 5/2023, Bed Bath & Beyond ghi nhận nợ ở mức 5,2 tỷ USD, trong khi tài sản chỉ ở mức 4,4 tỷ USD. Các cổ đông sẽ là bên cuối cùng nhận được các khoản thanh toán nợ nếu doanh nghiệp này “bán mình”.
Hơn 12.000 cp được giao dịch trên sàn OTC của Mỹ - hiện do OTC Markets Group vận hành. Sàn này được chia làm 3 thị trường, với các cổ phiếu rủi ro nhất và kiểm soát ít nhất nằm trên thị trường Pink Open Market (POM).
Khi một doanh nghiệp tuyên bố phá sản, cổ phiếu bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chính và sau đó được giao dịch trên POM với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá gốc.
“Các cổ phiếu này vẫn được giao dịch cho tới khi thanh lý xong tài sản - vốn có thể cần tới nhiều tháng hoặc nhiều năm”, theo Steve Sosnick, Trưởng bộ phận chiến lược tại Interactive Brokers.
Việc các cổ đông có nhận được gì khi 1 công ty hoàn tất thủ tục phá sản hay không sẽ phụ thuộc vào việc các trái chủ có thể lấy lại tiền hay không. Tuy nhiên, trái phiếu của Bed Bath & Beyond đang được giao dịch ở mức dưới 2 xu trên 1 USD, tức là gần như vô giá trị.
Kể từ tuần trước, công ty này không còn sở hữu thương hiệu Bed, Bath & Beyond. Nhà bán lẻ trực tuyến Overstock.com đã mua lại sở hữu trí tuệ thương hiệu “Bed, Bath & Beyond” với giá 22 triệu USD và thông báo kế hoạch khởi động lại thương hiệu, giúp cổ phiếu tăng hơn 60%.
Con trai nhà sáng lập 7-Eleven quyết cản Cirle K thâu tóm chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới
Hệ thống nhà thuốc lớn thứ 2 nước Mỹ chuẩn bị đóng 1.200 cửa hàng trên toàn quốc