Thế giới

Dầu, khí, than Mỹ đồng loạt biến mất khỏi Trung Quốc: Cảnh báo cho vòng đối đầu mới?

Thanh Lê 24/07/2025 11:56

Trung Quốc gần như ngừng hoàn toàn nhập khẩu 3 mặt hàng năng lượng chủ chốt từ Mỹ trong tháng 6 – một động thái đáng chú ý trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington đang nối lại đối thoại nhằm tháo gỡ căng thẳng thương mại.

Theo dữ liệu hải quan mới nhất của Trung Quốc, tháng 6 đánh dấu lần đầu tiên sau gần 3 năm nước này không nhập khẩu một giọt dầu thô nào từ Mỹ – mặt hàng được giao dịch nhiều nhất toàn cầu, trong khi Trung Quốc là quốc gia mua lớn nhất.

Cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu dầu thô Mỹ của Trung Quốc đạt gần 800 triệu USD.

Dầu, khí, than Mỹ đồng loạt biến mất khỏi Trung Quốc: Cảnh báo cho vòng đối đầu mới? - ảnh 1
Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than, dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng từ Hoa Kỳ vào tháng 6

Việc nhập khẩu khí LNG – hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ – đã về 0 trong 4 tháng liên tiếp. Nguyên nhân một phần do các công ty Trung Quốc bán lại nguồn cung LNG Mỹ sang các thị trường có giá cao hơn như châu Âu và châu Á.

Với than đá, giá trị nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ trong tháng 6 chỉ còn vài trăm USD – giảm mạnh so với mức hơn 90 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Ba mặt hàng năng lượng trên vẫn đang chịu mức thuế 10–15% mà Trung Quốc áp từ tháng 2 năm nay, một phần trong loạt biện pháp đáp trả cuộc chiến thương mại đầu tiên do chính quyền Trump khởi xướng. Từ đó đến nay, dòng hàng từ Mỹ sang Trung Quốc ngày càng co cụm, do không còn hiệu quả về kinh tế.

Trong thỏa thuận “đình chiến” thương mại năm 2020 nhằm chấm dứt cuộc chiến thuế quan đầu tiên thời Trump, Trung Quốc cam kết sẽ gia tăng nhập khẩu nông sản và năng lượng Mỹ để thu hẹp thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không hoàn thành cam kết khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến thặng dư thương mại ngày càng lớn – đặt nền móng cho vòng đối đầu tiếp theo, nhất là sau khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng.

Trong thời gian đó, Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Hiện phần lớn dầu thô mà nước này nhập khẩu đến từ Saudi Arabia và Nga – Mỹ chỉ vừa lọt vào top 10 nhà cung cấp theo các báo cáo hải quan gần đây. Nga, kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, cũng trở thành nguồn cung khí đốt giá rẻ quan trọng với Trung Quốc.

Phản ứng có tính toán từ Bắc Kinh

Theo ông Lin Ye – Phó Chủ tịch phụ trách thị trường hàng hóa dầu tại hãng tư vấn Rystad Energy – việc Trung Quốc ngừng mua dầu thô Mỹ phản ánh chiến lược chuyển dịch sang các nhà cung cấp gần hơn và chi phí vận chuyển thấp hơn.

Nhưng ông cũng cho rằng: “Đây đồng thời là phản ứng có tính toán trước loạt thuế quan, trừng phạt và căng thẳng chiến lược từ phía Mỹ. Nó thể hiện lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trước sức ép đơn phương từ Washington”.

Gần đây, tiêu điểm thương mại giữa hai nước đã dịch chuyển sang các lĩnh vực như fentanyl, chip bán dẫn và đất hiếm – khiến vai trò của hàng hóa năng lượng có thể không còn ảnh hưởng mạnh như trong nhiệm kỳ đầu của Trump. Tuy nhiên, nhập khẩu năng lượng Mỹ vẫn sẽ là yếu tố quan trọng nếu hai nước thực sự muốn thu hẹp thâm hụt thương mại.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết ông sẽ gặp các đối tác Trung Quốc tại Stockholm vào tuần tới – vòng đàm phán thứ ba nhằm kéo dài thỏa thuận đình chiến thuế quan hiện tại, vốn sẽ hết hạn vào ngày 12/8. Dự kiến, nội dung thảo luận sẽ mở rộng sang việc Trung Quốc tiếp tục mua dầu bị cấm vận từ Nga và Iran – điều có thể khiến Mỹ áp đặt loạt thuế mới lên các nước mua năng lượng từ Nga, đẩy Trung Quốc vào tình thế rủi ro và buộc phải cân nhắc quay lại với nguồn cung Mỹ.

Không chỉ năng lượng, nông sản Mỹ cũng bị “ngó lơ”

Không chỉ năng lượng, nhập khẩu nông sản Mỹ của Trung Quốc như ngô cũng sụt giảm mạnh trong vài tháng gần đây. Dù vậy, đây có thể là yếu tố mùa vụ do người mua chuyển sang các nguồn cung ở Nam Mỹ sau mùa thu hoạch. Bài kiểm tra thực sự sẽ đến vào cuối năm, khi nông dân Mỹ bước vào mùa thu hoạch mới.

Tính đến nay, Trung Quốc vẫn chưa ký bất kỳ đơn hàng nào đối với đậu nành và ngô Mỹ cho vụ mùa 2025–2026, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Ngoài ra, tổng lượng nhập khẩu nông sản của Trung Quốc cũng giảm khi tăng trưởng kinh tế chững lại – tạo thêm trở ngại cho các nhà xuất khẩu Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra trong thị trường nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc. Tình trạng cung vượt cầu trong nước, nhu cầu tiêu thụ yếu và sự gia tăng của năng lượng tái tạo khiến Trung Quốc ít mặn mà hơn với việc nhập khẩu năng lượng bằng đường biển.

>> Hàng loạt lãnh đạo người nước ngoài bị Trung Quốc điều tra, cấm xuất cảnh: Chuyện gì xảy ra?

Mỹ và EU tiến gần tới thỏa thuận áp thuế 15%

Trung Quốc bước vào thời đại 'nhà máy tối' khiến thế giới ngỡ ngàng: Không một bóng người, vận hành liên tục 24/7

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/dau-khi-than-my-dong-loat-bien-mat-khoi-trung-quoc-canh-bao-cho-vong-doi-dau-moi-147473.html
Bài liên quan
  • Trung Quốc và Liên minh châu Âu xích lại gần nhau
    Là hai mục tiêu kinh tế lớn nhất trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một số nhà phân tích cho rằng Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc có thể xích lại gần nhau hơn và tìm kiếm tiếng nói chung. Thế nhưng, tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU tại Bắc Kinh tuần qua, hai bên đã lộ ra những bất đồng sâu sắc và sự ngờ vực làm gia tăng rạn nứt giữa hai bên.
  • Thị trường nội địa vỡ trận, ô tô giá rẻ Trung Quốc tràn ra thế giới
    Làn sóng xuất khẩu ô tô từ Trung Quốc đang định hình lại thị trường ô tô toàn cầu, khi những chiếc xe giá rẻ ồ ạt tràn vào các quốc gia, kéo theo một cuộc chiến giá lan rộng từ các showroom ở Mexico đến Malaysia.
  • Hàng loạt lãnh đạo người nước ngoài bị Trung Quốc điều tra, cấm xuất cảnh: Chuyện gì xảy ra?
    Diễn biến này tiếp tục làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về xu hướng gia tăng kiểm soát và điều tra nhắm vào các lãnh đạo nước ngoài tại Trung Quốc.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Dầu, khí, than Mỹ đồng loạt biến mất khỏi Trung Quốc: Cảnh báo cho vòng đối đầu mới?
    POWERED BY ONECMS & INTECH