Cổ phiếu đáng chú ý ngày 22/1: PVB, VNM, VCG
Công ty chứng khoán phân tích và đưa ra nhận định mua, bán đối với các cổ phiếu PVB, VNM, VCG.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Khuyến nghị mua PVB
VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB), giá mục tiêu 39.081 đồng/cp dựa trên luận điểm đầu tư:
Doanh thu quý IV/2024 đạt 56 tỷ đồng (-62% svck) và lợi nhuận sau thuế lỗ 7 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh kém tích cực trong quý chủ yếu do cùng kỳ PVB ghi nhận giai đoạn đầu của dự án Kình Ngư Trắng. Tính cả năm 2024, doanh thu của PVB đạt 265 tỷ đồng (+9% svck), lợi nhuận sau thuế 13 tỷ đồng (+295% svck), lần lượt hoàn thành 126% và 583% kế hoạch kinh doanh năm 2024 của doanh nghiệp.
Ngoài ra, PVB là doanh nghiệp bọc ống dầu khí hàng đầu tại Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường từ năm 2010 đến nay. VCBS kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của PVB trong năm 2025 trở đi khi khối lượng công việc từ dự án Lô B đóng góp tăng trưởng đáng kể. Về triển vọng dài hạn, VCBS cho rằng hoạt động E&P tại Việt Nam sẽ khả quan nhờ các dự án nội địa đẩy nhanh, khối lượng công việc bọc ống dự kiến sẽ gia tăng.
VCBS phân tích chỉ tiêu tài chính PVB |
Chứng khoán Phú Hưng (PHS): Khuyến nghị tăng tỷ trọng VNM
PHS khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM), giá mục tiêu 72.500 đồng/cp dựa trên luận điểm đầu tư:
Trong giai đoạn 2024 – 2029, Euromonitor dự báo thị trường sữa nước Việt Nam sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép CAGR là 2.3%/năm dựa trên (1) thu nhập tăng và nhận thức ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam về sức khỏe góp phần thúc đẩy tiêu thụ sữa, (2) đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng bởi các lựa chọn thay thế như sữa thực vật, (3) xu hướng tỷ lệ sinh giảm cùng với việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ của Chính phủ cũng đặt ra những thách thức lớn đối với nhu cầu tiêu thụ sữa nước trong tương lai.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ sữa nội địa chưa có nhiều khởi sắc, cho năm 2025, PHS dự phóng VNM sẽ ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 63.850 tỷ đồng (+2,9% svck) và 9.812 tỷ đồng (+1,1% svck). Trong đó, doanh thu nội địa tăng 1% đạt 51.645 tỷ đồng. Thị trường nước ngoài đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính cho VNM với doanh thu xuất khẩu và doanh thu chi nhánh nước ngoài lần lượt đạt 5.555 tỷ đồng (+5% svck) và 5.600 tỷ đồng (+9% svck). Biên lợi nhuận gộp dự kiến giảm 20bps đạt mức 41,8% do chịu áp lực từ giá bột sữa nguyên liệu tăng cao trong 6 tháng qua.
Bên cạnh đó, giá cổ phiếu VNM đã điều chỉnh mạnh trong 3 tháng qua và hiện đang giao dịch tại P/E là 15.0x. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với VNM tại mức giá hợp lý là 72.500 đồng/cp.
Chứng khoán AAS: Khuyến nghị theo dõi VCG
AAS khuyến nghị theo dõi cổ phiếu Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), giá mục tiêu 22.450 đồng/cp dựa trên luận điểm đầu tư:
(i) Với khối lượng công việc dồi dào và tiềm năng trúng thầu các dự án lớn giai đoạn 2024- 2026, mảng xây dựng vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng lợi nhuận cho VCG trong các quý tới. Bên cạnh đó, AAS cho rằng giai đoạn 2025-2026 là điểm rơi lợi nhuận của VCG nhờ các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam được nghiệm thu;
(ii) Kế hoạch thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng ngắn và dài hạn sẽ là “đòn bẩy” cho VCG;
(iii) Các khoản nợ vay thu hẹp cho thấy năng lực quản lý tài chính của VCG rất tốt.
>> Động thái mới của VinFast tại quốc gia đông dân nhất thế giới
KQKD nhóm chứng khoán 2024: TCBS, SSI, VPS, VND, HSC, VCI, SHS, VIX...
Doanh nghiệp 7.100 tỷ đồng lần đầu ghi nhận doanh thu sau 8 năm