Cổ phiếu DDV (DAP Vinachem) còn triển vọng tăng giá?

13-12-2021 15:07|Thanh Long

Trong gần 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu DDV đã liên tục giảm giá từ mức 34.000 đồng về vùng 27.xxx đồng đi kèm với việc thanh khoản sụt giảm mạnh.

CTCP DAP Vinachem (UpCOM: DDV) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với doanh thu tăng trưởng 55,5% so với cùng kỳ lên 788 tỷ đồng; lãi sau thuế 68,4 tỷ đồng – tăng mạnh so với số lỗ 6,8 tỷ đồng ghi nhận trong quý III năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 doanh thu thuần đạt 2.158 tỷ đồng - tăng 83,5% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 87% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt gần 159 tỷ đồng - hoàn thành và vượt 133% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 159 tỷ đồng – tăng mạnh so với số lỗ hơn 40 tỷ đồng ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2020.

Sau 11 tháng, DDV tiếp tục ghi nhận lãi đạt 277,3% so với kế hoạch năm.

“Bão giá” phân bón kéo dài suốt cả năm 2021 và dự kiến kéo dài sang năm 2022 khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành vô cùng sáng sủa.

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt cổ phiếu phân bón bứt phá từ đầu năm điển hình như DPM, DCM, DGC, DDV,…

ddv.png
Cổ phiếu DDV ghi nhận tăng mạnh từ đầu năm

Đặc biệt có thể thấy cổ phiếu DDV tăng 216% từ đầu năm đến nay, từ giá 8.800 đồng/cổ phiếu đã tăng lên 27.800 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch cuối tuần qua. Một loạt cổ phiếu phân bón khác cũng tăng bằng lần so với đầu năm: DPM tăng 180%, DCM tăng 178%, LAS tăng hơn 200%...

Ngoài triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục khả quan, một số cổ phiếu còn có tiềm năng tăng giá mạnh nhờ “game” thoái vốn Nhà nước. Đơn cử, cổ phiếu DDV thời gian gần đây được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi thông tin Tập đoàn Hóa chất Vinachem có thể thoái sạch vốn hoặc thoái về dưới 51% (hiện Vinachem nắm 64% vốn tại DDV). Từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh của DDV khởi sắc mạnh mẽ, lợi nhuận sau thuế đạt 159 tỷ đồng - vượt 134% kế hoạch lợi nhuận trước thuế của cả năm. Tính đến hết tháng 11/2021, công ty đã vượt 277% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tuy nhiên, trong gần 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu DDV đã liên tục giảm giá từ mức 34.000 đồng về vùng 27.xxx đồng đi kèm với việc thanh khoản sụt giảm đáng kể.

Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, các chuyên gia Agriseco Research đánh giá, ngành phân bón vẫn là một trong số ít ngành được hưởng lợi và kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021.

Chính vì vậy, dù nhiều cổ phiếu phân bón đã tăng giá mạnh từ đầu năm, định giá cổ phiếu không còn hấp dẫn nhưng do thuận lợi của thị trường cũng như kết quả kinh doanh năm 2022 chưa phản ánh hết vào giá cổ phiếu nên cổ phiếu phân bón vẫn còn hấp dẫn.

Giới chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp giảm điểm của thị trường để tích lũy thêm cổ phiếu phân bón, kỳ vọng tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.

Tiềm năng tăng giá phân bón còn kéo dài

Giá phân bón đang ở mức cao nhất mọi thời đại và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đóng cửa cuối tuần qua (10/12), chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên Green Markets đứng ở mức 1.081 USD/tấn - tăng 160% so với đầu năm. Theo dự báo của WB, xu hướng tăng giá của một số loại phân bón sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022.

Tại thị trường Việt Nam, giá phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu các loại (ure, DAP, kali…) cũng tăng 80 - 150% so với đầu năm.

Nguyên nhân khiến giá phân bón tăng kỷ lục chủ yếu đến từ giá nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, giá khí tự nhiên tăng gấp đôi, giá than tăng gấp 3 - 4 lần khiến nhiều nhà máy phân bón ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng, ảnh hưởng đến nguồn cung cho thế giới.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp có thể khiến nhiều nhà máy phân bón phải ngừng sản xuất ngoài dự kiến trong khi các quốc gia tăng cường sản xuất, tích trữ lương thực.

Ngoài ra, các nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu như Trung Quốc, Nga, Ai Cập ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu khiến cho thị trường càng thêm căng thẳng.

Trong nước, theo nhận định của nhà nhập khẩu phân bón Vinacam, giá phân bón thời gian tới sẽ tiếp tục neo cao theo giá thế giới. Cụ thể, giá Kali bột sẽ tiếp tục duy trì ổn định ở mức 13.000.000 - 13.500.000 đồng/tấn và xu hướng này có thể sẽ kéo dài đến tháng 2/2022. Riêng Kali miểng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao 17.000.000 - 17.500.000 đồng/tấn và sẽ hướng tới 18.000.000 đồng/tấn vào cuối quý I/2022 do nguồn cung khan hiếm.

Đối với DAP, cùng với quyết định cấm xuất khẩu của Trung quốc, Nga đã có động thái siết lại hạn ngạch đối với sản phẩm phân bón nitơ và phân tổng hợp chứa Nitơ, do vậy DAP sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng và dự kiến DAP nâu sẽ sớm vượt mức 23.000.000 đồng/tấn, DAP xanh Hồng Hà và DAP Hàn Quốc là 24.000.000 - 25.000.000 đồng/tấn. Phân DAP sản xuất trong nước tiếp tục khan hiếm do tình hình quặng Apatit không được cải thiện.

Các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán BSC dự báo, giá phân bón thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong cuối năm 2021 và đầu 2022 bởi nguyên liệu khí đốt, dầu thô và than biến động khó lường, cước vận tải vẫn chưa hạ nhiệt.

Ông lớn hóa chất "bốc hơi" 340 tỷ đồng lợi nhuận, lãi 9 tháng giảm 98%

LAS - Doanh nghiệp phân bón duy nhất đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận dương năm 2023

Sớm vượt 83% kế hoạch lợi nhuận, DAP VINACHEM (DDV) sắp chi tạm ứng cổ tức bằng tiền

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-ddv-dap-vinachem-con-trien-vong-tang-gia-120695.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cổ phiếu DDV (DAP Vinachem) còn triển vọng tăng giá?
POWERED BY ONECMS & INTECH