Cổ phiếu hàng hóa cơ bản bước vào giai đoạn phân phối, nhà đầu tư cẩn thận bắt "dao rơi"

17-03-2022 17:13|Trần Trung

Sau những ngày nổi sóng, nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản như dầu khí, thép, phân bón, than,... bắt đầu bị chất bán ồ ạt và giảm mạnh. Nhà đầu tư cần làm gì lúc này?

Phiên giao dịch ngày 17/3/2022 diễn ra ra với sự "hạ nhiệt" của thị trường và trong đó có vai trò của nhóm ngân hàng.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu liên quan tới giá hàng hóa như dầu khí (GAS, PVS, PVD, PVB, PVC, PXS, PGS, CNG…), thép (HPG, HSG, NKG, VGS, TLH…), phân bón (DPM, DCM, BFC, DDV, VAF…), than (TC6, NBC, HLC, TMB…) đều giảm khá sâu; nhiều mã thậm chí giảm gần hết biên độ trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới có phần chững lại.

VN-Index kết phiên tăng 2,01 điểm (0,14%) lên 1.461,34 điểm; HNX-Index giảm 0,02 điểm xuống 446,16 điểm và UpCOM-Index giảm 0,1 điểm (-0,09%) xuống 115,94 điểm.

Điểm qua thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây, giá cổ phiếu dầu khí và một số loại hàng hóa tăng mạnh trong khi giá các cổ phiếu khác giảm hoặc dậm chân tại chỗ theo đà đi ngang của VN-Index. Điều mà nhà đầu tư phân vân là giá cổ phiếu hàng hóa đang trong giai đoạn tăng giá hay phân phối?

Thực tế, mỗi cổ phiếu/nhóm cổ phiếu thường có 4 giai đoạn vận động giá trong đó:

Giai đoạn 1 - Tích lũy: Giá cổ phiếu không có xu hướng tăng hoặc giảm rõ ràng, chuyển động tăng/giảm không kéo dài. Giai đoạn này có thể tồn tại vài tháng đến vài năm.

Giai đoạn 2 - Tăng giá: Giá chứng khoán có xu hướng tăng rõ ràng. Giá bắt đầu thoát khỏi vùng tích lũy và tăng bởi lực cầu từ các nhà tổ chức lớn khi lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng (tăng dần qua các quý hoặc năm).

Đặc điểm kỹ thuật của giai đoạn này là đỉnh cao hơn và đáy cao hơn. Đường trung bình động ngắn hạn nằm trên đường trung bình động dài hạn. Số ngày và tuần tăng giá nhiều hơn số ngày và tuần giảm giá. Khối lượng tăng vọt vào những ngày hoặc tuần tăng giá, thấp ở những ngày hoặc tuần giảm giá.

Giai đoạn 3 - Phân phối: Đặc trưng của giai đoạn này là sự biến động giá giảm. Cổ phiếu mặc dù vẫn thiết lập đỉnh cao hơn nhưng biến động giá giảm lớn hơn với khối lượng tăng lên ở các đợt điều chỉnh này. Giai đoạn này có những ngày giảm điểm mạnh (thường là mạnh nhất kể từ giai đoạn 2) với khối lượng lớn. Trên đồ thị, cổ phiếu có tuần giảm mạnh nhất từ khi bắt đầu xu hướng tăng.

Giai đoạn 4 - Giảm giá: Giá chứng khoán gần chạm hoặc thiết lập đáy 52 tuần. Giá nằm dưới đường MA200 ngày, đường MA200 có xu hướng đi xuống rõ ràng. Mẫu hình giá dạng bậc thang đi xuống, đáy sau thấp hơn đáy trước, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.

Về chiến lược giao dịch cổ phiếu với từng giai đoạn cụ thể, nhà đầu tư không nên mua trong giai đoạn 1 ngay cả khi yếu tố cơ bản của doanh nghiệp tốt, để tránh lãng phí thời gian không cần thiết. Kiên nhẫn chờ đợi và chỉ mua ở giai đoạn 2, nghĩa là mua những chứng khoán sắp có khả năng tăng giá mạnh.

Trong giai đoạn 3, dòng tiền thông minh đã mua ở giai đoạn 2 bắt đầu nghĩ đến việc chốt lời; họ sẽ bán ra khi giá vẫn còn tăng mạnh (những đợt tăng giá cuối cùng). Lưu ý là những người chơi lớn không để giá giảm đến khi hoàn thành việc dỡ bỏ các vị thế.

Trên thực tế, họ thậm chí có thể đẩy giá lên cao hơn một chút so với biên trên của thị trường để thu hút nhiều người mua hơn trước khi thực hiện bán. Đây là bẫy tăng giá mà các nhà giao dịch tổ chức tạo ra, nhà đầu tư cá nhân cần tránh bị cuốn theo những cơn sóng tăng giá này.

Dẫn nguồn Fili.vn, thời gian qua, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá dầu khí lên cao, kéo giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ (như thép, phân bón, vận tải biển và hàng không,…) tăng theo. Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ cơn sóng tăng giá hàng hóa này được dự báo có thể gi tăng lợi nhuận. Các cơn sóng chu kỳ ngành mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cổ phiếu không thể giữ đà tăng mãi mãi. Khi lợi nhuận vẫn tăng nhưng tốc độ tăng trưởng giảm dần hoặc có suy đoán yếu đi, đó là lúc cổ phiếu có thể ở giai đoạn phân phối.

Nhà đầu tư cần lưu ý báo cáo tài chính của doanh nghiệp đồng thời áp dụng một số quy tắc dưới đây để hạn chế thua lỗ và giữ được lợi nhuận; Cần phân tích cơ bản xem công ty còn sinh lợi nhuận không; phân tích kỹ thuật xem xu hướng cổ phiếu còn tăng hay chuyển sang xu hướng giảm; sẵn sàng cắt lỗ hoặc bán ra khi đạt được mục tiêu chốt lời.

Siêu dự án điện khí 1,4 tỷ USD của PV Power (POW) có tiến triển mới

'Gã khổng lồ' khí đốt Nhật Bản mua lại 25% cổ phần nhà máy Mỹ Sơn-Hoàn Lộc Việt, đặt chân vào lĩnh vực điện mặt trời tại Việt Nam

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-hang-hoa-co-ban-buoc-vao-giai-doan-phan-phoi-nha-dau-tu-can-than-bat-dao-roi-123598.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cổ phiếu hàng hóa cơ bản bước vào giai đoạn phân phối, nhà đầu tư cẩn thận bắt "dao rơi"
    POWERED BY ONECMS & INTECH