Bên cạnh sự trở lại của không ít cổ phiếu trụ bank, phiên giao dịch ngày 15/3/2022 cũng chứng kiến sự đồng khởi của nhóm cổ phiếu đầu tư công với rất nhiều sắc tím.
Sự trở lại của VN-Index trong phiên giao dịch ngày 15/3/2022 là thực sự cần thiết trong bối cảnh thị trường liên tục rung lắc - đi ngang và điều chỉnh trong 2 tháng trở lại đây.
Bên cạnh sự trở lại của không ít cổ phiếu trụ bank, phiên hôm qua cũng chứng kiến sự đồng khởi của nhóm cổ phiếu đầu tư công với rất nhiều sắc tím.
Đáng nói trước khi trở lại trong phiên này, nhóm cổ phiếu trên đã chịu áp lực điều chỉnh mạnh từ sau dịp Tết Nguyên đán 2022. Nguyên nhân đến từ việc giá thép cũng như vật liệu xây dựng tăng cao sau dịp Tết khiến nhà đầu tư lo ngại biên lợi nhuận gộp của nhóm này sẽ suy giảm do gánh nặng chi phí.
Trở lại với phiên 15/3, các đại diện đáng chú ý của nhóm có thể kể đến như cổ phiếu LCG của CTCP Licogi 16 tăng trần lên mức 20.550 đồng với thanh khoản lên đến hơn 11 triệu đơn vị - gần gấp đôi khối lượng trung bình trong những phiên gần đây.
Tương tự, FCN của CTCP FECON cũng tỏa sáng khi tăng hết biên độ lên mức 26.250 đồng sau khi đổ đèo từ đỉnh 36.000 đồng hồi đầu năm 2022.
Tuy không tăng trần, song cổ phiếu "ông lớn" xây dựng HBC của Tập đoàn Hòa Bình vẫn ghi nhận mức tăng ấn tượng 6,42% lên 28.200 đồng cùng thanh khoản cũng tăng vọt lên gần 12 triệu đơn vị.
Tương tự, hàng loạt mã khác trong ngành xây lắp cũng tăng trần như PDB, VC9, HUB, CTI. Một số cổ phiếu khác cũng tăng khá ấn tượng như HTN (+6,5%), HHV (+5,1%), CTD (+1,5%),...
Kỳ vọng từ các gói giải ngân khổng lồ
Theo giới chuyên gia, động lực chính giúp nhóm cổ phiếu này khởi sắc đến từ những thông tin đẩy mạnh dự án đầu tư công trong thời gian tới.
Riêng trong giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu sẽ phải hoàn thành thêm 1.840 km đường cao tốc; đến năm 2030 sẽ có thêm 3.840 km đường cao tốc. Bên cạnh đó rất nhiều dự án lớn khác được chuẩn bị đầu tư như các tuyến đường vành đai Hà Nội, TP. HCM, các tuyến đường ven biển, các dự án kết nối liên vùng ở các địa phương.
Đưa ra những chủ đề đầu tư cho tháng 3/2022, CTCK An Bình (ABS) duy trì quan điểm tích cực với nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công như nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng.
Tương tự, CTCK BSC cũng cho rằng, cổ phiếu ngành xây dựng trong năm 2022 vẫn "sáng cửa" nhờ lực kéo từ đầu tư công. BSC tin rằng ngành xây dựng sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ nguồn cung bất động sản phục hồi sau dịch bệnh cũng như viêc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng mảng bất động sản thương mại và xây dựng dân dụng phục hồi như giai đoạn 2014 - 2015.
Mới nhất, tại Báo cáo chiến lược trước thị trường chứng khoán tháng 3 của Mirae Asset, công ty này cũng đánh giá cao nhóm cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dưng khi được hưởng lợi trực tiếp bởi làn sóng đầu tư công.
Theo Mirae Asset, trong thời gian 3 - 5 năm tới, đầu tư công là lĩnh vực được dành sự quan tâm đặc biệt và được Chính phủ tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Mirae Asset kỳ vọng một số nhóm cổ phiếu có khả năng hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công của Chính phủ hoặc gián tiếp từ tác động lan tỏa của chính sách này như nhóm dân dụng (CTD, HBC, HTN, VCG); nhóm công nghiệp - hạ tầng (VCG, HHV, CII, LCG, FCN, C47, TCD).
Chứng khoán VND kỳ vọng việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2022 sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành xây dựng hạ tầng năm nay. Các nhà thầu đã chứng minh được năng lực thi công và đang thực hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như VCG, HHV, C4G,… sẽ đươc hưởng lợi chính từ chủ đề này.
Bên cạnh đó, việc nhóm doanh nghiệp này đã vượt qua được những điều kiện đấu thầu khắt khe trước đây sẽ có tạo thêm ưu thế cho họ có thể tiếp tục tham gia các dự án hạ tầng lớn tiếp theo trong giai đoạn 2021 - 2025.
Trước đó, đầu tháng 3/2022, thông tin thêm về gói đầu tư công của Chương trình phục hồi 350.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cho biết, gói này phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch cụ thể cũng như phương án phân bổ dự toán năm 2022 tăng thêm đối với các bộ, ngành, địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước khi Thủ tướng Chính phủ triển khai công tác cụ thể. "Do vậy, cơ bản đến tháng 4 và tháng 5 có thể triển khai được gói đầu tư", ông Phương cho biết.