Phía doanh nghiệp này cho biết, công ty không có thông tin liên quan có lợi, lãnh đạo không can thiệp vào giá cổ phiếu đồng thời doanh nghiệp vừa báo lỗ nặng bán niên 2022.
CTCP 715 (sàn UpCOM) ngày 22/9 đã có văn bản giải trình về việc cổ phiếu BMN tăng trần 5 phiên liên tiếp gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Theo ghi nhận, từ ngày 12 - 19/9/2022, cổ phiếu BMN bất ngờ tăng trần 6 phiên liên tiếp kéo thị giá từ mức 7.800 đồng lên 17.700 đồng - tăng 127%. Thanh khoản của mã trong giai đoạn này tăng mạnh lên mức 500 - 5.000 đơn vị/phiên (trước đó mã chủ yếu không ghi nhận thanh khoản).
Sau chuỗi tăng trần này, cổ phiếu BMN tiếp tục tăng gần 10% trong phiên kế đó lên mức 19.400 đồng trước khi giảm sàn trong các phiên 21 - 22/9 và đứng tham chiếu 14.500 đồng trong phiên 23/9.
Tại báo cáo giải trình, phía 715 nhấn mạnh doanh nghiệp không có thông tin hỗ trợ nào; diễn biến cổ phiếu do cung cầu trên thị trường quyết định.
Được biết CTCP 715 là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải với quy mô vốn điều lệ chỉ 27,5 tỷ đồng trong đó Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long là công ty mẹ nắm gần 75% vốn.
4 năm gần nhất (2018 - 2021), doanh thu của công ty tăng đáng kể từ gần 90 tỷ lên 120 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận BMN thu về gần như không đổi với 4,5 tỷ/năm.
Trước BMN, ngày 21/9, CTCP Cấp nước Đắk Lắk (sàn UpCOM) cũng đã có thông báo giải trình về việc cổ phiếu DWC tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 15 - 21/9 - tương ứng mức tăng gần 97% lên mức 16.900 đồng/cổ phiếu.
Phía doanh nghiệp này cho biết, công ty không có thông tin liên quan có lợi, lãnh đạo không can thiệp vào giá đồng thời doanh nghiệp vừa báo lỗ nặng tại báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2022 (-8,7 tỷ đồng).
Mức lỗ 6,9 tỷ đồng trong quý II/2022 cũng là quý lỗ thứ 3 liên tiếp của doanh nghiệp cấp nước này.
Đáng chú ý, theo thông tin từ phía doanh nghiệp, trong chuỗi tăng trần nêu trên, thanh khoản trung bình của mã DWC chỉ là 500 đơn vị/phiên với 1 - 2 lệnh mua bán.
Thống kê số lệnh đặt mua/bán cổ phiếu DWC từ phiên 15/9/2022
Theo đó, Cấp nước Đắk Lắk yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HNX vào cuộc điều tra và xử lý các cá nhân vi phạm, tránh cổ phiếu bị làm giá không đúng giá trị thực.
Trong cùng thời điểm, CTCP Khai thác và Chế biển Khoáng sản Lào Cai (sàn UPCoM) cũng đã có công văn giải trình về việc cổ phiếu LCM tăng trần liên tục trong đó nhấn mạnh do cung cầu của thị trường và khẳng định không can thiệp vào giá. Đây cũng là nội dung mà CFV, VE3 hay VHH mới đây báo cáo với cơ quan quản lý.
Chi tiết xem thêm bài viết: "Phiếm luận chuyện cổ phiếu tăng trần: LCM, CFV, VHH, VE3 có bị làm giá?"