Trên một số diễn đàn chúng khoán, nhiều nhà đầu tư đang tỏ ra "hân hoan" trong ngày cổ phiếu XMD giảm sàn bởi phần lớn đều đứng ngoài cuộc tăng điên của một cổ phiếu yếu kém..
Cổ phiếu XMD của CTCP Xuân Mai - Đạo Tú là cổ phiếu đang "làm mưa làm gió" trên thị trường với đà tăng trần 25 phiên liên tiếp. Chốt phiên 17/3, cổ phiếu XMD đạt mức giá 59.200 đồng/cổ phiếu - gấp 31 lần so với mức giá 1.900 đồng trong phiên 10/2. Đây cũng là mức giá đỉnh của mã này kể từ khi đầu lên sàn.
Đáng chú ý, thanh khoản của mã cũng được cải thiện đáng kể từ mức 100 đơn vị lên vài chục nghìn đơn vị/phiên.
Tuy nhiên, bước sang phiên 18/3, cổ phiếu XMD bất ngờ đảo chiều và kết phiên giảm sàn xuống 50.400 đồng thị giá qua đó chấm dứt đà tăng điên trong 1 tháng vừa qua.
Ghi nhận trong phiên này, có thời điểm XMD áp sát vùng giá 70.000 đồng trước khi bị "nhất chìm". Như vậy, nếu cổ đông lỡ tay đu đỉnh giá vùng 68.000 - 69.000 đồng có thể ghi nhận mức lỗ 25 - 30% chỉ trong phiên này.
Trên một số diễn đàn chúng khoán, nhiều nhà đầu tư đang tỏ ra "hân hoan" trong ngày XMD giảm sàn bởi phần lớn đều đứng ngoài cuộc tăng điên của một cổ phiếu yếu kém.
Trong bối cảnh thị trường đang gặp khó tại các vùng cản 1.500, 1.470 điểm, các nhóm cổ phiếu trụ suy yếu và không có nhóm nào đủ mạnh để dẫn dắt, việc một mã cổ phiếu "mini" với thanh khoản yếu và bất ngờ tăng hàng chục lần khiến nhà đầu tư không khỏi quan ngại.
Nhiều người cho rằng, "thảm họa" XMD có thể sẽ nguy hiểm hơn BII, TGG, TDH, CEO, DIG,... hay các mã cũng từng dựng sóng trước đó (năm 2021).
Trở lại với XMD, CTCP Xuân Mai - Đạo Tú tiền thân là Chi nhánh CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai tại Vĩnh Phúc được thành lập ngày 29/3/2004. Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP từ ngày 1/7/2008.
XMD hoạt động với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét; xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, công trình cầu đường, thủy lợi; xây dựng các khu đô thị, công nghiệp,...
Được biết, 4 triệu cổ phiếu XMD giao dịch ngày đầu tiên trên UPCoM vào ngày 25/12/2015. Từ thời điểm đó đến nay, mã này gần như không có thanh khoản đến thời thời điểm nhịp tăng điên bắt đầu từ tháng 2/2022.
Về tình hình kinh doanh năm 2021, doanh thu thuần của XMD tăng 55% lên hơn 96,5 tỷ đồng trong đó 50% cơ cấu doanh thu đến từ bán thành phẩm - tương đương 48,4 tỷ đồng; 50% còn lại là nguồn thu từ các hợp đồng xây dựng hơn 48,1 tỷ đồng. Tuy vậy, sau khi trừ các chi phí, công ty báo lỗ sau thuế 6 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 5 tỷ đồng).
Tại thời điểm cuối năm 2021, quy mô tài sản tăng 5% lên 93,4 tỷ đồng với tài sản ngắn hạn gần 71 tỷ đồng; tiền và tương đương tiền gấp 6,6 lần lên 5,3 tỷ đồng đồng do tăng thêm gần 4 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng tại BIDV - CN Vĩnh Phúc, lãi suất 3-3,3%/năm; khoản phải thu ngắn hạn giảm tăng 11% so với đầu năm lên mức 43,4 tỷ đồng trong đó khoản phải thu lớn nhất đến từ công ty mẹ Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai với gần 18 tỷ đồng
Về nguồn vốn, phải trả người bán ngắn hạn tăng 79% lên 20,6 tỷ đồng; khoán người mua trả tiền trước 4,6 tỷ đồng - gấp gần 4 lần so với đầu năm; nợ vay tài chính ngắn hạn giảm 6% xuống 25,5 tỷ đồng gồm 19,6 tỷ đồng vay Vietcombank và 5,9 tỷ đồng nợ BIDV - CN Vĩnh Phúc. Hệ số nợ vay/vốn chủ là 66%.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2021 là âm 10,7 tỷ đồng; quỹ đầu tư phát triển có hơn 5,6 tỷ đồng.
Theo tài liệu họp ĐHCĐ mới công bố, Xuân Mai - Đạo Tú dự kiến kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu đạt 130 tỷ đồng - tăng 35% so với mức thực hiện năm 2021; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt hơn 2,7 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ gần 6 tỷ đồng năm trước.
Cùng với kế hoạch kinh doanh, HĐQT XMD cũng dự trình cổ đông thông qua việc không trích lập các quỹ và chi trả cổ tức trong năm 2022 và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh (nếu cần) để phù hợp tình hình sản xuất kinh doanh thực tế của công ty.
Một cổ phiếu sàn UPCoM tăng 1.536,8% trong quý I/2022
Soi kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng có cổ phiếu tăng trần 25 phiên liên tiếp