Doanh nghiệp

EU ra phán quyết vụ điều tra chống bán phá giá thép HRC Việt Nam, Hòa Phát hưởng mức thuế 0%

Huy Hoàng 18/07/2025 - 16:11

Trong khi HRC của Hòa Phát được áp thuế suất 0%, mức thuế dành cho các doanh nghiệp Việt Nam khác là 12,1%.

Ngày 16/7/2025, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố quyết định cuối cùng liên quan đến vụ điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Ai Cập, Nhật Bản và Việt Nam. Theo đó, sản phẩm thép cuộn cán nóng của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) được miễn áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU).

Theo kết luận điều tra, HRC của Hòa Phát được áp thuế suất 0%, trong khi mức thuế dành cho các doanh nghiệp Việt Nam khác là 12,1%. Thép nhập khẩu từ Nhật Bản chịu thuế từ 6,9% đến 30,4%, còn Ai Cập là 11,7%. Hiện nay, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh là hai doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có năng lực sản xuất HRC.

Việc không bị áp thuế giúp Hòa Phát duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường EU, đồng thời đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp hạ nguồn tại Việt Nam khi xuất khẩu sang khu vực này mà không vướng rào cản về xuất xứ hay giá bán.

EU ra phán quyết vụ điều tra chống bán phá giá thép HRC Việt Nam, Hòa Phát hưởng mức thuế 0%
Hòa Phát chính thức không bị EU áp thuế chống bán phá giá thép HRC

>>Hòa Phát (HPG) bắt tay đơn vị đào tạo kỹ sư hàng đầu Việt Nam, dốc sức hoàn thiện siêu công nghệ thép ray

Thành công này đến từ việc Hòa Phát tối ưu hóa chi phí trong toàn bộ chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, và duy trì hệ thống kế toán minh bạch, rõ ràng. Trong quá trình điều tra, doanh nghiệp cũng hợp tác chủ động và toàn diện với cơ quan chức năng của EU, cung cấp đầy đủ dữ liệu theo yêu cầu.

Trước đó, ngày 8/8/2024, EC đã khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam. Giai đoạn điều tra bán phá giá kéo dài từ ngày 11/4/2023 đến 31/3/2024, trong khi điều tra thiệt hại được tính từ 1/1/2021 đến 31/3/2024.

Các sản phẩm bị điều tra là thép cán phẳng bằng sắt hoặc thép không hợp kim/hợp kim, có dạng cuộn hoặc không, không được gia công thêm ngoài cán nóng, không phủ, mạ.

Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Từ cuối năm 2025, công suất thiết kế toàn tập đoàn sẽ đạt 16 triệu tấn/năm, trong đó riêng sản phẩm HRC đạt 9 triệu tấn, đủ để đáp ứng hoàn toàn nhu cầu trong nước.

Đáng chú ý, lò cao số 6 thuộc giai đoạn 2 của dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 sẽ hoàn thành trong tháng 9/2025.

Về kết quả kinh doanh, quý II/2025, Hòa Phát ghi nhận doanh thu hơn 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.300 tỷ đồng, mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 74.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 23% so với cùng kỳ năm 2024.

Hướng đến các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, ngày 19/8/2025, Hòa Phát sẽ khởi công nhà máy sản xuất ray thép tàu cao tốc và thép hình đặc biệt tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi. Dự án nhằm cung cấp sản phẩm cho các công trình lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai, cũng như nhiều tuyến metro tại Hà Nội và TP.HCM.

>>Hòa Phát (HPG) chốt ngày khởi công nhà máy thép ray 14.000 tỷ đồng, đặt nền móng cho loạt dự án đường sắt trăm tỷ USD

Hòa Phát (HPG) bắt tay đơn vị đào tạo kỹ sư hàng đầu Việt Nam, dốc sức hoàn thiện siêu công nghệ thép ray

Hòa Phát (HPG) chốt ngày khởi công nhà máy thép ray 14.000 tỷ đồng, đặt nền móng cho loạt dự án đường sắt trăm tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/eu-ra-phan-quyet-vu-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-thep-hrc-viet-nam-hoa-phat-huong-muc-thue-0-296864.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    EU ra phán quyết vụ điều tra chống bán phá giá thép HRC Việt Nam, Hòa Phát hưởng mức thuế 0%
    POWERED BY ONECMS & INTECH