Con gái chủ hãng xe Thành Bưởi nhớ lời bố dạy: Lập gia đình như lập nghiệp
Ngày 8/9, mạng xã hội lan truyền tâm thư tiễn biệt cha của con gái chủ hãng xe Thành Bưởi. Bài viết giàu tình cảm, đã chạm đến cảm xúc của nhiều người.
Ngày 5/9, ông Lê Đức Thành, chủ hãng xe Thành Bưởi từ trần tại TPHCM sau một thời gian lâm bệnh nặng. Ông ra đi để lại sự tiếc thương vô vàn trong lòng người thân, họ hàng và nhiều hành khách của hãng xe.
Ngày 8/9, fanpage Xe khách Thành Bưởi đã đăng tải tâm thư của con gái ông Lê Đức Thành. Bài đăng khiến nhiều người xúc động, thu hút hơn 20 nghìn lượt yêu thích, hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận.
Được sự đồng ý của gia đình, VietNamNet trích đăng nội dung bức tâm thư:
"Tiễn biệt bố!
Bố kính yêu, con còn nhớ như in tuổi thơ, chiều nào con cũng đứng chờ ở cửa sắt nhà Hàm Nghi mong xe về, mong bố về, mong mẹ về.
Mẹ làm lơ xe, bố làm tài xế. Lúc ấy mình chỉ có 1 chiếc xe 16 chỗ, ngày nào xe bị hư là con mừng lắm, con xin leo lên xe ngủ, bố mở cốp hay chui xuống gầm xe sửa xe, con lăng xăng cầm đèn pin. Mùi của bố là mùi xe, mùi nhớt, mùi dầu, mùi bụi,...
Lần đầu tiên con về Sài Gòn bằng xe tải, gọi là đi Sài Gòn chơi, nhưng con quanh quẩn trong kho hàng cũ kĩ ở Trần Bình Trọng chờ bố cho xe chất xong hàng bố chở đi ăn cơm.
Bố ngủ ở kho hàng, tắm ở kho hàng, bốc xếp sinh hoạt sao thì bố sinh hoạt như vậy, và nhiều người ở đó, trẻ cũng như già, họ gọi bố là bố, con nghĩ trong lòng bố là bố của mình mà.
Lúc ấy, bố không còn xe khách nữa, bố chỉ làm xe tải, rồi bố nói với con gái, bố mẹ sẽ mở công ty ở Sài Gòn. Bố mẹ sẽ chạy lại xe khách, sẽ tiên phong làm thử ở miền Nam cho xe chạy suốt, chạy đúng giờ, không đón khách dọc đường, không nhồi nhét khách.
Mới mười mấy tuổi, bố nói gì con cũng dạ, chứ con cũng không hiểu lắm cách làm ăn, cách chạy xe.
Trong đầu bố không bao giờ ngừng có kế hoạch, ngừng có dự định. Việc này chưa xong, bố đã nghĩ ra việc khác. Bố ham học hỏi, lạc quan, tích cực.
40 năm làm con của bố, con chưa một lần nào thấy bố buồn bã, chưa một lần nào nghe bố than vãn khó khăn, mệt nhọc, đau ốm.
Bố bảo: "Việc dễ thì làm nhanh, việc khó thì làm lâu, phải nhẫn nại, việc gì cũng dễ thì người ta làm hết rồi".
Chạy xe khách lại, với cách mới của bố, xe chở gió một thời gian rồi mình mới có khách. Đêm khuya, bố vẫn đi chất hàng xe tải, hôm nào có khách đủ tiền dầu mẹ mừng rơn.
Rồi mình có nhiều khách, rồi mình mua nhiều xe, mẹ chỉ tìm tài xế hao hao như bố, giỏi nghề, có tư cách, có đạo đức, ôm vô lăng ngồi trước, khách yên tâm ngồi sau, để rồi mình có một đội ngũ lái xe thời đó thiệt oách, ai cũng đẹp người, giỏi giang, cứng cáp.
Mẹ kể, thời mẹ 20 tuổi đi buôn thì bố đã là tài xế.
Năm 1974, bố đi bộ đội Trường Sơn.
Sau khi ra lính, năm 1978, bố vào miền Nam chạy xe cho Xí nghiệp Xe khách Lâm Đồng chở vật tư. Bố siêng năng, cần cù được bác Hào - Giám đốc thời ấy giao cho bố cái xe khách. Mẹ là khách đi xe của bố chạy.
Bố mẹ lấy nhau năm 1983 và năm 1987 mới có chiếc xe 16 chỗ riêng đầu tiên. Thời xa xưa ấy, bạn hàng nào cũng thích đi xe có bố chạy, được bố đón, được bố chất hàng. Hàng của khách là hàng của bố, bố chở khách như chở người thân.
Khi con còn trẻ, con cũng lẫy vì mỗi bữa cơm bố đều nói về xe, về khách, về hàng hóa. Nhiều lần con nói bố ơi, bố bỏ số điện thoại bố ra khỏi đường dây nóng đi để con cho tổng đài nghe, bố nói không được, bố phải nghe khách phản ánh cái gì để mà sửa sai, chỉ mỗi nhân viên nghe thì mình xa rời công việc, không còn biết chuyện gì sai đang diễn ra.
Khi con có tuổi rồi thì con hiểu, con là con của bố, nhưng khách hàng, hàng hóa, xe là sự sống của bố, thiếu một trong các thứ ấy bố sẽ chết.
Không chỉ dạy chị em con lễ nghi, phép tắc mà bố còn chỉ con nấu canh, kho đậu hũ, ủi áo quần. Khi con hỏi bố con đi lấy chồng, bố bảo "không lấy chồng mà lập gia đình, lập gia đình như lập nghiệp, học mẹ ấy".
Bố không bày tỏ tình cảm, không nói lời hoa mỹ nhưng bố dặn con rằng hãy học mẹ. Sống với bố, con chứng kiến tình cảm của bố mẹ dành cho nhau trường tồn vĩnh viễn.
Con thích cách bố chờ mẹ để ăn cơm cùng xong, cách chuyện gì mẹ cũng gọi điện kể cho bố nghe rồi hỏi: "Bố ăn cơm chưa, bố ăn với gì?".
Con ước nếu có 1 cuộc đời khác nữa, bố mẹ được sum vầy cả cuộc đời với nhau mà không cần sống xa nhau để hy sinh làm nhiều thứ cho cuộc đời này.
Niềm vui của bố không phải tới chốn xa hoa, những đám tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, không phải những nơi hào nhoáng mà là nơi trồng cây, rồi bố trồng trọt vì mê cây, thích trái mà con đã nghĩ bố giống nông dân hơn là làm vận tải.
Con chưa bao giờ khen dứa của bố ngon vì con sợ bố lại trồng thêm, con sợ bố phải làm nhiều, đi xa rồi mệt. Nhưng bố ơi, giây phút này, ở đây con muốn nói rằng dứa của bố trồng rất ngon.
Không chỉ trồng cây, ươm trái mà bố còn là cây cổ thụ cho nhiều cuộc đời dựa, trong đó có con, các em con và mẹ.
Bố quan tâm nhân viên, bố bao dung rộng lượng, nhiều người quen nói bị bệnh thì dù bận thế nào bố vẫn dừng việc lại, nhiều lần đến tận nhà những người ấy để cho cây, cho lá.
Ai ai ở xa đến gặp bố nhờ bố cho lá, cho cây để chữa bệnh. Bố tạo điều kiện để họ ở lại nhà của bố để tiện giúp đỡ.
Bố thích ăn cơm nhà nấu. Bếp lúc nào cũng có lửa hồng vì ngày nào bố cũng ăn cơm nhà nấu.
Bố đi rồi, cái chén, đôi đũa, hạt gạo cũng nhớ bố, cái tivi cũng nhớ bố, cái quạt, cái ghế cũng nhớ bố, cả những chậu cây thuốc trên sân thượng.
Bố đi rồi các cháu thiếu tiếng gọi ông.
Con chẳng thể làm được việc gì nếu không có sự nuông chiều của bố.
Với mẹ, với con, với các em con, với các cháu, với người thân, với gia đình, bố đã đi trên con đường đầy vinh quang, cống hiến nhiều cho cuộc đời, sống chuẩn mực, điều rất hiếm có trong xã hội đương thời hôm nay.
Con tự hào về bố. Cả gia đình mình tự hào về bố. Con cảm ơn bố mẹ đã sinh ra các em con và con. Cảm ơn bố đã cống hiến cả cuộc đời chỉ làm những điều tốt và đẹp".
Nguồn: Xe khách Thành Bưởi