Ngày 25/11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức hội thảo về nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng thông qua thi hành án dân sự.
Hàng chục nghìn hồ sơ thi hành án tín dụng ngân hàng đang tồn đọng tại các cơ quan thi hành án. Có vụ việc thời gian thi hành đã đến 10 năm đến nay vẫn chưa xong.
Ngân hàng sốt ruột khơi thông dòng vốn tín dụng
Trong hoạt động ngân hàng, công tác thi hành án dân sự đối với các bản án, quyết định của Tòa án về tranh chấp tín dụng, ngân hàng có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đây là khâu quyết định hiệu lực trên thực tế của các bản án, quyết định của Tòa án, góp phần thực thi kỷ luật Hợp đồng, khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng, luân chuyển đến địa chỉ sử dụng hiệu quả hơn, giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Đại diện Vietcombank cho hay, vướng mắc phổ biến nhất trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo thông qua thi hành án hiện nay là thời gian thi hành án để xử lý tài sản đảm bảo còn chậm trễ, kéo dài do sự bất hợp tác của Bên chủ tài sản trong tất cả các bước của quá trình thi hành án.
Tình trạng này diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đăk Lăk, Cần Thơ….thời gian thi hành án thường kéo dài từ 20 tháng. Thậm chí có vụ việc thời gian thi hành đã đến 10 năm đến nay vẫn chưa xong (là trường hợp khách hàng công ty cổ phần Thương mại dược phẩm Nhật Tân tại Hà Nội)
Theo số liệu thống kê năm 2022, các cơ quan thi hành án dân sự đang tiến hành tổ chức thi hành án cho 76 tổ chức tín dụng, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính.
Kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng năm 2022: Số phải thi hành là 37.058 việc, tương ứng với số tiền là hơn 137.311 tỷ đồng (chiếm 4,31% về việc và 41,14% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn hệ thống).
Đã thi hành xong 6.215 việc (đạt 27,66% trên số có điều kiện), tăng 1.712 việc so với cùng kỳ, số tiền thu được trên 22.544 tỷ đồng (đạt 29,41% trên số có điều kiện), tăng gần 4.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ thi hành xong năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 7,39% về việc, tăng 4,1% về tiền. Số việc chuyển kỳ sau là 30.843 việc tương ứng với số tiền là xấp xỉ 114.767 tỷ đồng (bao gồm cả số việc chưa có điều kiện thi hành án).
Từ thực tiễn, các ngân hàng cũng cho biết, lũy kế đến hết quý 3/2022, toàn hệ thống Agribank đang có 3.291 vụ việc trong giai đoạn thi hành án, với số tiền yêu cầu thi hành là 24.139 tỷ đồng, số tiền đã thu hồi 4.277 tỷ đồng, số tiền còn phải thu hồi 20.614 tỷ đồng.
Hay tại VietinBank, tính đến thời điểm hiện nay, số vụ việc trong hệ thống đang được các cơ quan thi hành án dân sự địa phương thụ lý tổ chức thi hành còn tồn đọng nhiều trên 1.300 vụ việc, với tổng số tiền phải thu là trên 5.400 tỷ đồng. Trong đó, số vụ việc có điều kiện thi hành là 855 vụ; chiếm tỷ lệ 65%.
Còn tại Vietcombank, tính đến thời điểm này, ngân hàng này có 58/122 chi nhánh đang có phát sinh các vụ việc thi hành án dân sự tại hơn 42 tỉnh thành với khoảng 479 vụ việc cùng số tiền dư nợ gốc khoảng 4.924 tỷ đồng và dư nợ lãi là 5.211 tỷ đồng.
Ngân hàng gặp khó khăn, chưa giải quyết dứt điểm
Nguyên nhân chủ yếu của những bất cập hiện nay do quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu cụ thể, rõ ràng và do việc hiểu, áp dụng pháp luật của cơ quan thi hành án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và cả từ phía bản thân các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, tài sản đảm bảo thi hành án đa số là bất động sản, khả năng thanh khoản kém, có nhiều trường hợp tài sản đảm bảo thi hành án không đủ điều kiện pháp lý, bị sai lệch dẫn đến khi xử lý phải xác minh, họp bàn, trao đổi mất nhiều thời gian, kéo dài việc tổ chức thi hành án. Chưa kể, nhiều người thi hành án thiếu hợp tác, trốn tránh.
Đại diên Ngân hàng BIDV cho biết, về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, tại Điều 12 Nghị quyết 42 quy định: “Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng… trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm”.
Nhiều vụ việc chưa giải quyết dứt điểm. Số vụ việc phải tiến hành cưỡng chế vẫn còn nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như một số quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản; hiệu quả công tác phối hợp của một số cơ quan hữu quan có nơi, có lúc còn chưa cao, nhất là trong việc xác minh, đo vẽ, xác định ranh giới, hiện trạng để xử lý quyền sử dụng đất, khấu trừ tiền trong tài khoản..
Để công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của ngành ngân hàng đạt hiệu quả cao hơn, nhất là công tác xử lý tài sản bảo đảm thông qua thi hành án, ngoài việc hoàn thiện thể chế, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho rằng: "rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành và các cơ quan liên quan".