Giật mình số 'vốn chết' khổng lồ trong nền kinh tế
Hiện quy mô nợ xấu toàn nền kinh tế đã vượt 1 triệu tỷ đồng. Số “vốn chết” khổng lồ này đang gây lãng phí nguồn lực trong bối cảnh nền kinh tế thiếu vốn và là nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao.
Số “vốn chết” khổng lồ trong nền kinh tế
Ngân hàng Agribank vừa rao bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của hàng loạt các công ty. Cụ thể, Công ty Cổ phần Gốm Xây dựng Thương mại và Vận tải Hoàng Kim, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển TTT Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tổng hợp Từ Liêm tại Agribank Chi nhánh Hà Thành với tổng giá trị ghi sổ của khoản nợ tạm tính đến ngày 31/3/2025 hơn 300 tỷ đồng, gồm: Hơn 226 tỷ đồng nợ gốc và hơn 77 tỷ đồng nợ lãi.
Công ty TNHH Hùng Anh - Chi nhánh Hà Nội, Công ty cổ phần Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Đại Minh - Chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH Xây dựng và Vận tải Nhuận Hiển, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hạ tầng Tam Dương và Công ty TNHH Kinh doanh Vật liệu Xây dựng Hồng Quân với giá trị ghi sổ của khoản nợ tạm tính đến ngày 31/3/2025 là hơn hơn 416 tỷ đồng, gồm hơn 308 tỷ đồng nợ gốc và hơn 107 tỷ đồng nợ lãi.
Công ty CP Gốm Xây dựng Hợp Thịnh Phát Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Xây dựng Hạ tầng Thái Dương và Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng số 6 Hà Tĩnh với khoản nợ tạm tính đến ngày 31/3/2025 là gần 333,8 tỷ đồng.
![]() |
Nhiều ngân hàng gặp khó trong việc xử lý nợ xấu. |
Công ty TNHH ĐT và TM QA Quốc Tế, Công ty TNHH Kim khí vật tư Thành Công với khoản nợ có giá trị ghi sổ tính đến ngày 20/3/2025 hơn 257 tỷ đồng.
Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô cũng vừa thông báo bán khoản nợ của Công ty CP Hằng Hà. Theo đó, tổng dư nợ tính đến hết ngày 31/10/2024 là hơn 730 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là gần 433,7 tỷ đồng, nợ lãi và phí phạt quá hạn là gần 296,4 tỷ đồng.
Các khoản nợ của ngân hàng có tài sản đảm bảo từ bất động sản, nhà xưởng, máy móc...
Thống kê từ báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng cho thấy, nợ xấu tại nhóm các ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng gia tăng, với tổng giá trị trên 266 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ và hơn 16% so với cuối năm 2024, tương đương mức tăng khoảng 37 nghìn tỷ đồng.
Có tới 22/28 ngân hàng ghi nhận quy mô nợ xấu tăng so với cùng kỳ năm trước. Số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3% tăng lên 8, trong khi đầu năm chỉ có 7 ngân hàng. Các nhóm nợ đều có sự gia tăng. Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng hơn 37%, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng gần 13%.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, hiện quy mô nợ xấu toàn nền kinh tế đã vượt 1 triệu tỷ đồng. Số “vốn chết” khổng lồ này đang gây lãng phí nguồn lực trong bối cảnh nền kinh tế thiếu vốn và là nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao. Thêm vào đó, tài sản thế chấp gắn với các khoản vay cũng không thể sử dụng, khai thác do vướng rủi ro pháp lý.
Theo ông Hùng, việc sửa đổi đồng bộ hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu, trong đó có sửa Luật Các tổ chức tín dụng và ban hành thông tư mới về quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) sẽ kích thích thị trường nợ phát triển. Hiện gần 50% nợ xấu được các ngân hàng xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả và bền vững nhất vẫn là phát triển thị trường mua bán nợ.
Vị chuyên gia cho rằng cần khuyến khích thành lập và mở rộng phạm vi hoạt động của các công ty mua bán nợ, thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng như lập hành lang pháp lý thông thoáng cho thị trường nợ là giải pháp rất được mong chờ, cùng với việc luật hóa Nghị quyết 42.
Xử lý nợ xấu thế nào? Số “vốn chết” khổng lồ trong nền kinh tế
Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng luật hóa các quy định xử lý nợ xấu như thu giữ tài sản đảm bảo cho ngân hàng.
Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng trong lĩnh vực AMC cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Theo dự thảo, khoản nợ mà AMC thực hiện quản lý, khai thác theo ủy quyền là nợ xấu bao gồm cả nội bảng, ngoại bảng. Đối với khoản nợ công ty AMC được mua, bán, chỉ bao gồm các khoản nợ xấu nội bảng, ngoại bảng phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay cho bảo lãnh, khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động của tổ chức tín dụng hiện nay đa dạng hơn so với thời điểm ban hành Quyết định 1390/2002. Do đó, việc tiếp nhận, xử lý các khoản nợ theo ủy quyền của AMC cần được mở rộng để đảm bảo có nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Trên thế giới, các công ty AMC được thành lập theo nhiều mô hình khác nhau, nhằm xử lý nợ xấu và tái cấu trúc tài sản của ngân hàng thương mại. Các AMC của ngân hàng thương mại thường hoạt động với mục tiêu xử lý nợ xấu nội bộ, hoặc chỉ mua nợ thông thường ở một số trường hợp đặc biệt, như khi doanh nghiệp có khoản vay tốt, nhưng gặp khó khăn tài chính tạm thời, AMC có thể mua lại nợ và tái cơ cấu hoặc bán lại khi doanh nghiệp phục hồi, thay vì để thành nợ xấu...
“Việc quy định phạm vi khoản nợ được tiếp nhận, quản lý, xử lý theo ủy quyền; mua, bán là khoản nợ xấu phù hợp với mục tiêu chính của việc thành lập công ty quản lý nợ, giúp công ty quản lý nợ tập trung xử lý đối với các khoản nợ xấu; tránh được việc tổ chức tín dụng lợi dụng hoạt động của công ty quản lý nợ để mua, bán nợ, làm thay đổi số liệu, tình hình nợ xấu của tổ chức tín dụng”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
>>Agribank rao bán khoản nợ xấu hơn 360 tỷ của 2 doanh nghiệp thép
Trả chậm thẻ tín dụng: Sau mấy ngày thì bị ngân hàng ‘gắn mác’ nợ xấu?
Nợ xấu có dấu hiệu bùng lên, Ngân hàng Nhà nước muốn luật hóa loạt cơ chế ‘đặc biệt’