Công khai trình tự thủ tục để không phải 'xách hồ sơ chạy lòng vòng'
"Khi công khai trình tự thủ tục cũng đảm bảo xây dựng Chính phủ liêm chính, hạn chế xin – cho, không phải xách hồ sơ chạy lòng vòng", Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu.
Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án 1 luật sửa 4 Luật Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.
Tại phiên thảo luận, đề cập đến Luật Đầu tư, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, những vấn đề khó và vướng đã cơ bản được Chính phủ lựa chọn đưa vào sửa đổi.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Như Ý |
Trong đó, có quy định chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm tiến độ, dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, gây lãng phí đất đai nhằm giải phóng nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Bình khẳng định, các địa phương đang rất cần quy định này, bởi trên thực tế có những trường hợp có được dự án bằng quan hệ, còn năng lực thực thi không có, sau đó chuyển nhượng, gây lãng phí rất lớn.
Đối với Luật PPP, theo ông Bình, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ cần nguồn lực nhà nước mà còn cần nguồn lực xã hội, rồi vốn ODA.
Luật PPP hiện hành đã loại bỏ phương thức hợp đồng BT, song lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất áp dụng trở lại trên tinh thần kiểm soát chặt chẽ hơn.
Theo ông Bình, để thu hút được nhà đầu tư vào các dự án khó thì phần vốn góp của Nhà nước phải vượt quá tỷ lệ cho phép hiện hành là 50% nhưng không quá 70%.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ là thủ tục phải rất đơn giản, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, còn nếu cứ “xách hồ sơ đi hết cửa nọ, cửa kia thì phiền hà cho doanh nghiệp".
“Khi công khai trình tự thủ tục cũng đảm bảo xây dựng Chính phủ liêm chính, hạn chế xin – cho, không phải xách hồ sơ chạy lòng vòng. Thủ tục đơn giản thì thuận lợi cho doanh nghiệp, loại trừ việc phiền hà, nhũng nhiễu, góp phần phòng ngừa tham nhũng…”, ông Bình cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Như Ý |
Tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư
Cũng tại phiên thảo luận ở tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản cụ thể của 4 luật là cần thiết. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, khi xem xét, quyết định dự luật này, Quốc hội phải cân nhắc kỹ lưỡng, với phương châm không cầu toàn, không nóng vội.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc sửa đổi luật phải bảo đảm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.
Đối với Luật Đầu tư, Luật PPP, vừa qua áp dụng cho thấy, muốn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, phải sửa đổi một số điều khoản. Luật Đấu thầu cũng phải sửa đổi để bảo đảm chọn được nhà thầu có năng lực, thi công được các công trình chất lượng, tầm cỡ quốc gia...
Trên cơ sở tờ trình của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, chắc chắn trước khi ấn nút thông qua.