"Còng lưng" tiết kiệm tiền lấy vợ, vợ sắp cưới đem đầu tư chứng khoán và cái kết mất trắng
Số tiền gần 800 triệu đồng đã bị vợ sắp cưới của chàng trai mang đi đầu tư chứng khoán. Theo chàng trai, đây là tiền tiết kiệm của cả 2 để chuẩn bị cho đám cưới.
Theo tờ SCMP ngày 11/6, trên diễn đàn thảo luận trực tuyến Baoliao, chàng trai cho biết anh và bạn gái đã cần mẫn tiết kiệm tiền cho đám cưới trong suốt 5 năm qua. Sau khi tiết kiệm 10.000 Đài tệ (hơn 7,6 triệu đồng) mỗi tháng, số tiền trong tài khoản chung của họ hiện đã vượt quá 1 triệu Đài tệ (khoảng 764 triệu đồng). Tuy nhiên, số tiền tiết kiệm này đã mất hết do người yêu mang đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Theo đó, khi cần tiền để trả tiền đặt chỗ cho nhà hàng, chàng trai đã bị sốc khi phát hiện ra rằng thực tế toàn bộ số tiền đã biến mất, chỉ còn lại 17 Đài tệ (khoảng 12.000 đồng) trong tài khoản chung của họ. Bạn gái của anh ta tuyên bố cô đã đầu tư rất nhiều vào thị trường chứng khoán, nhưng từ chối tiết lộ thêm chi tiết. Khi chàng trai chất vấn cô về số tiền, cô ấy bật khóc sau đó chia tay anh ta.
"Khi tôi thúc giục bạn gái trả lời, cô ấy bật khóc và tức giận, cho rằng tôi đã làm sai điều gì đó và khăng khăng đòi chia tay. Bạn gái đã ném sổ ngân hàng và thẻ ngân hàng vào mặt tôi và nói rằng cô ấy không muốn kết hôn và thậm chí còn buộc tội tôi chỉ yêu tiền chứ không phải cô ấy", anh chia sẻ.
Không chỉ vậy, bốn ngày trước khi anh đăng câu chuyện của mình lên mạng xã hội, anh phát hiện ra rằng khoản tiền gửi 10.000 Đài tệ mà anh vừa tiết kiệm cho tháng mới cũng đã biến mất. Câu chuyện này đã gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội, với nhiều suy đoán rằng ý định thực sự của cô bạn gái là đút túi tất cả số tiền tiết kiệm được và việc cô tuyên bố đầu tư chứng khoán chỉ là một câu chuyện che đậy.
Một người mỉa mai: "Hãy cho chúng tôi biết cổ phiếu nào có thể khiến bạn mất tất cả số tiền xuống còn 17 Đài tệ".
Một người khác nói thêm: "Có vẻ như cô ấy kiếm cớ để rời đi và muốn giữ lại số tiền. Có lẽ chỉ muốn bạn biến mất và không cản trở việc theo đuổi hạnh phúc của cô ấy".
Nhiều nhà quan sát đề nghị người đàn ông nên có hành động pháp lý chống lại bạn gái cũ của mình. Những người khác cố gắng an ủi người đàn ông: "Thật may là chuyện này xảy ra trước khi anh kết hôn. Anh sẽ còn hối hận hơn nếu cô ấy lấy hết tiền của anh sau khi anh kết hôn".
Thực tế hiện nay, hầu hết cá nhân khi tham gia thị trường đều coi mã cổ phiếu như mã số đánh cược với hy vọng làm giàu nhanh, đổi đời nhanh. Có những người mua cổ phiếu mà không biết tên doanh nghiệp, không biết công ty đó kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nào, lợi nhuận các năm vừa rồi ra sao.
Với tư duy này, nếu nhà đầu tư có lãi chỉ là do may mắn, không thể lâu dài. Nếu chọn những mã cổ phiếu đầu cơ có thể đúng 9 lần nhưng chỉ với 1 lần sai, có thể sẽ thua lỗ trắng tay. Bởi những lần có lãi do với tâm lý còn thăm dò còn nghi ngờ nên tỷ trọng đầu tư thấp hoặc mới lãi 1 chút đã bán ra ngay. Nhưng với deal thua lỗ cuối cùng có thể nhà đầu tư sẽ không thoát ra kịp và gánh chịu khoản thua lỗ rất nặng nề.
Trên thị trường chứng khoán không hiếm các mã cổ phiếu đầu cơ sau đợt tăng nóng là hơn chục phiên sàn liên tiếp không có người mua đối ứng. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà kinh tế xem thị trường chứng khoán là thị trường cao cấp nhất trong các thị trường. Đó là nơi đầu tư nghiêm túc, đòi hỏi người tham gia phải có sự hiểu biết. Bởi vậy, việc không ngừng nâng cao kiến thức mỗi ngày là rất quan trọng khi tham gia đầu tư chứng khoán.