Các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), cảm biến và hệ thống giám sát thời gian thực, cho phép “chính xác hoá” ngành chăn nuôi, giúp gia tăng giá trị sản phẩm.
Tại Hội nghị khoa học Chăn nuôi - Thú y toàn quốc (lần thứ V) diễn ra từ ngày 5 - 7/10, GS. TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định ngành chăn nuôi đã và đang góp phần quan trọng vào an ninh dinh dưỡng quốc gia.
Ngành chăn nuôi cũng tạo sinh kế gần 10 triệu hộ gia đình trên cả nước, với đóng góp hơn 25% vào GDP nông nghiệp.
Trong những năm qua, bất chấp những thách thức đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch bệnh, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đạt được một số thành tựu và bước tiến quan trọng. Năm 2022, giá trị toàn ngành chăn nuôi ước tính đạt 23,7 tỷ USD (tăng 5,93%).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển ổn định, đàn gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển, đảm bảo được nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi vẫn đạt 3,14%.
"Đặc biệt, ngành thú y đã có những đóng góp vô cùng quan trọng bảo vệ sức khỏe động vật, đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi thông quan các chương trình một sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, kiểm tra an toàn thực phẩm... ", GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.
GS. TS Nguyễn Thị Lan cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số trở thành một động lực chuyển đổi chính trong ngành chăn nuôi, tạo ra những cơ hội tăng trưởng theo hướng bền vững nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn (CNTH).
Nhấn mạnh rõ hơn về vai trò chuyển đổi số trong mô hình CNTH, PGS. TS. Sử Thanh Long, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc tích hợp các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực hành CNTH giúp hướng tới mục tiêu bền vững, hiệu quả và đổi mới trong ngành nông nghiệp.
Theo đó, Công nghiệp 4.0 với đặc trưng bởi công nghệ điện tử, các quy trình hoạt động dựa trên dữ liệu và tự động hoá, giúp đem lại những lợi ích chiến lược phù hợp với các mục tiêu của CNTH.
Trang trại chăn nuôi chính xác: Các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), cảm biến và hệ thống giám sát thời gian thực, cho phép “chính xác hoá” ngành chăn nuôi. Người chăn nuôi có thể giám sát sức khoẻ động vật, hành vi và điều kiện môi trường theo thời gian thực, cho phép can thiệp có chọn lọc với nguồn lực tối ưu. Điều này giúp giảm thải, tăng phúc lợi động vật và cải thiện năng suất chăn nuôi trên tổng thể.
Đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu: Công nghệ mới cho phép thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu ở quy mô rất lớn. Từ đó, người chăn nuôi có thể đưa ra quyết định về quản lý dinh dưỡng, phòng ngừa dịch bệnh và xử lý chất thải dựa trên đòn bẩy phân tích dữ liệu và các mô hình dự đoán.
“Cách tiếp cận dựa trên dữ liệu này giúp tối ưu hoá quy trình chăn nuôi và phân bổ nguồn lực”, PGS. TS. Sử Thanh Long nói.
Tối ưu tài nguyên: Hệ thống CNTH tập trung vào việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Công nghệ 4.0 nâng cao hơn nữa trong khả năng tối ưu hoá bằng cách điều chỉnh theo thời gian thực các yếu tố như thành phần thức ăn, lượng nước sử dụng và năng lượng tiêu thụ. Sự liên kết này với các nguyên tắc trong CNTH giúp giảm tài nguyên đầu vào, giảm chất thải và cải thiện tính bền vững.
Minh bạch hoá chuỗi giá trị: CMCN 4.0 hỗ trợ việc minh bạch hoá và tính thương mại của các chuỗi giá trị, cho phép người tiêu dùng xác nhận tính bền vững và nguồn gốc của các sản phẩm chăn nuôi. Điều này giúp xây dựng niềm tin của người tiêu dùng và khuyến khích thực hành CNTH để tạo ra các sản phẩm chăn nuôi bền vững.
Quản lý sức khoẻ và sinh sản thông minh: Các tiến bộ của công nghệ 4.0 hỗ trợ quá trình chọn lọc con giống chống chịu tốt với bệnh tật và có năng suất cao. Dữ liệu di truyền, kết hợp với trí thông minh nhân tạo (AI) và người máy, có thể nâng cao hiệu quả các chương trình chọn giống, giúp đáp ứng đƣợc các mục tiêu của CNTH. Hệ thống quản lý sức khoẻ thông minh giúp cải thiện phát hiện và phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế các sự can thiệp không thiết yếu, có thể gây ảnh hưởng tới vòng tuần hoàn.
Cuối cùng, theo ông Long, CMCN 4.0 thúc đẩy sự sáng tạo các nền tảng điện tử giúp kết nối tất cả các thành phần trong hệ sinh thái CNTH. Người chăn nuôi, nhà nghiên cứu, nhà làm chính sách và người tiêu dùng có thể cùng hợp tác và chia sẻ thông tin, đóng góp vào sự phát triển và thực hiện các quy trình tuần hoàn. Các nền tảng này đều giúp trao đổi kiến thức và sự sáng tạo, đẩy nhanh việc thích ứng với hệ thống CNTH.
Tuy nhiên, ông Long cũng thẳng thắn chỉ ra yếu tố con người quyết định sự thành công trong chuyển đổi số đối với lĩnh vực chăn nuôi.
“Phát triển nhân lực đóng vai trò nền tảng cho sự thành công của quá trình chuyển đổi sang CNTH. Các chương trình giáo dục và đào tạo có thể trao quyền cho người chăn nuôi bằng kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện các quy trình tuần hoàn một cách hiệu quả”, ông Long nhấn mạnh.
Vai trò quan trọng của cổng IoT công nghiệp
Công nghệ MEMS - tương lai của các thiết bị kết nối và truyền thông Internet