Ngành game Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Việt Nam cũng sở hữu nhiều lợi thế để phát triển game trở thành ngành công nghiệp không khói.
Công nghiệp Game: Thành tố quan trọng của kinh tế số
Năm 2023, trên thế giới hiện có 3,4 tỷ người chơi game thường xuyên, chiếm 40% dân số toàn cầu. Trong năm nay, quy mô doanh thu ngành công nghiệp game thế giới đã đạt 187 tỷ USD và sẽ sớm chạm mốc 200 tỷ USD.
Xét trên bình diện toàn cầu, doanh thu ngành công nghiệp game hiện gấp 2 lần ngành phim (77 tỷ USD) và 7 lần ngành âm nhạc (26,2 tỷ USD).
10 quốc gia có doanh thu game và số lượng người chơi lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Anh, Pháp, Canada, Ý, Brazil. Trong đó, các quốc gia châu Á hiện đang là tâm điểm của ngành game thế giới.
Đáng chú ý khi khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đóng góp hơn một nửa số người chơi game và gần một nửa doanh thu game trên thế giới.
Tại khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng trung bình ngành game trong 5 năm từ 2022 - 2025 rơi vào khoảng 7,4%, cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng ngành game trung bình của toàn thế giới.
Chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia ngành game Việt Nam năm 2023, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG nhận định, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp game khu vực, Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều.
“Doanh thu ngành game Việt Nam đã vượt qua mốc 500 triệu USD năm 2022. Nếu thống kê đầy đủ hơn, quy mô ngành game Việt có lẽ đã vượt qua con số 1 tỷ USD nếu tính cả tiêu dùng trong nước”, ông Thắng cho biết.
Theo vị chuyên gia đến từ VNG, ngành game không chỉ sẽ mà đã và đang là ngành kinh tế quan trọng trên Internet. Đây là ngành sáng tạo kết hợp giữa nội dung và công nghệ, từ đó mang lại sự thoải mái và thư giãn cho người chơi. Chính vì vậy, game được xem là ngành kinh tế của tương lai.
Thể thao điện tử - một nhánh của ngành game và hiện đã tách ra thành một mảng lớn, trở thành bộ môn thi đấu trong nhiều kỳ đại hội thể dục thể thao. Trong tất cả các bộ môn thể thao, sức thu hút của thể thao điện tử đang đứng vị trí thứ 2, chỉ sau bóng đá. Đây là những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy game đã và đang trở thành một nhân tố quan trọng, không thể thiếu nhằm định hình nền kinh tế số.
Game sẽ giúp nâng cao vị thế Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu
Theo ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch Đầu tư), game là một trong những hạt nhân của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây là một trong những lĩnh vực trọng tâm sẽ giúp Việt Nam có bước phát triển đột phá, góp phần vào công cuộc đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Trong 10 năm qua, ngành công nghiệp game Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, doanh thu đã vượt 500 triệu USD, xếp thứ 5 Đông Nam Á.
Hơn một nửa dân số Việt Nam đã tiếp cận với game. Hệ sinh thái ngành game Việt đã có một số tên tuổi nổi bật như VNG, Appota, VTC, Sky Mavis, Amanote,... trong đó có nhiều cái tên mang tầm quốc tế.
Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cho rằng, ngành game đã giúp Việt Nam tạo ra nhiều việc làm có giá trị kinh tế cao và có sức cạnh tranh toàn cầu trong mảng lập trình, thiết kế, đồ hoạ game. Với dư địa phát triển dồi dào, game có cơ hội trở thành ngành xuất khẩu có giá trị cao, nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy vậy, mặc dù có một số doanh nghiệp game thành công, sự phát triển của ngành game Việt vẫn gặp phải một số hạn chế vì chúng ta chưa hình thành nên một hệ sinh thái game thực sự.
“Các công ty không đi cùng nhau nên không tận dụng được lợi thế của nhau. Kỹ sư giỏi làm game thì thiếu kinh nghiệm phát hành nên khó tiếp cận đông đảo người dùng, nhà phát hành có kinh nghiệm thì không tìm được game chất lượng.
Nếu đánh giá chất lượng sản phẩm trên nhiều tiêu chí như tính phức tạp, cảm giác game, đồ họa thì chúng ta còn khoảng khá xa so với nhóm hàng đầu thế giới”, ông Huy đánh giá.
Để game trở thành ngành công nghiệp giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thế giới, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao, theo Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Việt Nam cần phải xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng quốc tế với hệ sinh thái đa dạng, gồm nhiều doanh nghiệp game gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau.