Tính từ vùng giá đỉnh 120.000 đồng phiên 11/1/2022, hiện thị giá DIG chỉ còn giao dịch tại mức 48.xxx đồng - giảm gần 60% thị giá.
CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam vừa thông báo đã hoàn tất bán ra hơn 4,3 triệu cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) trong 2 ngày 20 - 27/4/2022. Ước tính, số tiền Him Lam thu về từ giao dịch lần này có thể lên đến gần 300 tỷ đồng. Sau giao dịch, tổ chức này đã giảm sở hữu tại DIG xuống 24,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,99%) và không còn là cổ đông lớn.
Tính từ đầu năm đến nay, Him Lam đã bán hơn 43 triệu cổ phiếu DIG. Diễn biến này được cho là xuất phát từ việc cổ phiếu DIG lao dốc mạnh, liên tục nằm sàn trước đà bán mạnh của cổ đông lớn.
Tính từ vùng giá đỉnh 120.000 đồng phiên 11/1/2022, hiện thị giá DIG chỉ còn giao dịch tại mức 48.xxx đồng - giảm gần 60% thị giá. Đây là vấn đề nóng được cổ đông DIC Corp chất vấn tại ĐHCĐ diễn ra vào ngày 22/4 vừa qua: "Him Lam liên tục thoái vốn, cứ bán hoài bán hoài, công ty có kế hoạch thay đổi cổ đông lớn không?".
Trả lời chất vấn, Tổng Giám đốc DIC Corp Hoàng Văn Tăng cho biết: "Him Lam đã vào với DIC cách đây khá lâu. Theo định hướng ban đầu, 2 bên đặt ra nhiều kế hoạch phát triển lâu dài cùng nhau. Tuy nhiên, vừa rồi có rất nhiều biến động trên thị trường như thông tin liên quan đến đấu giá đất đai, một số lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt,... Có thể phía Him Lam cần thay đổi định hướng theo mục tiêu của họ.
Thật sự tôi và Chủ tịch cũng liên hệ hàng ngày với Him Lam yêu cầu họ không có động thái làm áp lực quá đến cổ phiếu DIG, chứ thật ra nếu họ làm căng thì có khi cổ phiếu còn đi sâu hơn nữa.
Được biết, Him Lam chính thức rót tiền vào DIG cuối năm 2020 sau khi một loạt tổ chức bán như Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Khahomex và cổ đông ngoại Taekwang Vina đồng loạt thoái vốn từ giữa năm. Tổ chức này chính thức trở thành cổ đông lớn của DIG từ ngày 2/12/2020 sau khi mua gần 68 triệu cổ phiếu - tương ứng tỷ lệ 21,49% vốn thời điểm đó.
Cùng ngày, cổ phiếu DIG xuất hiện giao dịch thỏa thuận đột biến hơn 134 triệu cổ phiếu với tổng giá trị gần 2.900 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 21.600 đồng/cổ phiếu. Ước tính theo mức giá này, số tiền Him Lam có thể đã chi cho thương vụ này vào khoảng 1.500 tỷ đồng.
Sau khi ngồi ghế cổ đông lớn, Him Lam không mua thêm bất kỳ cổ phiếu nào ngay cả trong đợt chào bán riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu của DIC Corp năm ngoái mà chỉ nhận cổ tức bằng cổ phiếu (2 đợt gồm 10% của năm 2019 và 17% của năm 2020). Ước tính giá vốn của Him Lam sau điều chỉnh do chia tách của Him Lam chỉ vào khoảng 16.800 đồng/cổ phiếu.
Ngay với mức thị giá đã giảm một nửa so với đỉnh như hiện tại, Him Lam vẫn còn lãi rất lớn với khoản đầu tư vào DIG dù đã "chốt lời" hàng nghìn tỷ đồng.
Để khắc phục một phần tác động từ sự thoái cổ phần của cổ đông Him Lam, vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn và gia đình đã cam kết sẽ mua thêm cổ phiếu DIG đồng thời kêu gọi thêm cổ đông hiện hữu tăng tỷ lệ sở hữu.
Thêm vào đó, HĐQT công ty sẽ xem xét việc mua lại cổ phiếu quỹ khi doanh nghiệp có nguồn thu tốt. Theo dự kiến từ đây đến cuối năm, DIC Corp sẽ có dòng tiền 6.000 - 10.000 tỷ đồng và nếu thực tế đạt được, doanh nghiệp dự chi 1.000 - 2.000 tỷ đồng để làm việc này.
"Khi có tiền tươi thóc thật trong tài khoản, chúng tôi sẽ bàn đến việc này, có thể tại ĐHĐCĐ bất thường", Tổng Giám đốc DIC Corp nói.
Ngoài ra, DIC Corp sẽ tìm kiếm thêm đối tác có năng lực tài chính, có thể thay thế cho Him Lam.
Cuộc tiến công chóng vánh của Him Lam tại một doanh nghiệp ngành hàng không
Thương vụ một vốn bốn lời, IMP Corp lãi khủng sau 10 năm đầu tư vào SGN