Hawa Mahal có 5 tầng, điểm cao nhất đạt 26,5m và có 953 cửa sổ. Gió mang hơi ẩm bay vào các cửa sổ này, làm mát không khí trong các phòng bằng hiệu ứng Venturi.
Cung điện gió tự điều hoà
Hawa Mahal nằm trong thành phố Jaipur, bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ, được xây dựng vào năm 1799 bởi vua Sawai Pratap Singh (1764 - 1803). Vua Singh không phải nhà cai trị thao lược nhưng là vị vua yêu nghệ thuật. Vừa lên ngôi, ông đã lập tức đứng ra bảo trợ cho các nghệ sĩ lưu vong, giúp họ có nơi ăn chốn ở và hình thành trường phái hội họa Jaipuri.
Hawa Mahal là cung điện dành riêng cho phụ nữ hoàng gia. |
Nói về Jaipur - đây là mảnh đất khô nóng gần như quanh năm. Những tháng mùa Hè, nhiệt độ ở đây lên đến trên 40 độ C. Hawa Mahal là cung điện dành riêng cho những người phụ nữ trong Hoàng gia. Ngay từ lúc lên ý tưởng xây dựng Hawa Mahal, vua Singh đã quan tâm đến tính năng tự làm mát của nó.
Người được vua Singh giao cho thiết kế Hawa Mahal là kiến trúc sư Lal Chand Ustad. Sau nhiều đắn đo, Ustad quyết định xây Hawa Mahal như một công trình khép kín với 4 mặt là các dãy nhà và đài phun nước ở giữa.
Nguyên vật liệu xây dựng để Hawa Mahal là sa thạch màu đỏ và hồng. Trong tiếng Hindi, “hawa” có nghĩa là gió còn “mahal” có nghĩa là cung điện. Hawa Mahal đích thực là “cung điện gió” đúng nghĩa đen. Hướng của nó dọc theo trục Đông - Tây, phù hợp với hướng gió tự nhiên trong khu vực.
Với các kiến trúc sư “xanh” ở Ấn Độ, Hawa Mahal - cung điện nổi tiếng “tự điều hòa không khí” - là mô hình nhà cửa thích ứng với khí hậu kiểu mẫu nhất. Dù được xây dựng cách đây hơn 200 năm, nó sở hữu tính năng thông minh không thua kém các công trình thân thiện với môi trường hiện đại.
“Gió thổi vào cung điện từ phía Tây, hút hơi ẩm từ đài phun nước giữa sân và tạo ra dòng đối lưu khiến khí nóng bị bốc lên trên cao còn khí mát hạ xuống thấp, làm mát cho cả công trình”, kiến trúc sư Shyam Thakkar cho biết.
“Gió thổi vào cung điện từ phía Tây, làm mát cho cả công trình" |
Cung điện Hawa Mahal có 5 tầng, điểm cao nhất đạt 26,5m và có 953 cửa sổ. Khi gió mang hơi ẩm bay vào các cửa sổ này, nó làm mát không khí phòng ốc bằng hiệu ứng Venturi (tăng tốc độ lưu khí bằng không gian hẹp).
Hệ thống cửa sổ tại đây được thiết kế nhiều ô, vừa giúp phân phối luồng khí vừa kiểm soát độ chói của ánh nắng mặt trời. Vật liệu xây khung cửa sổ cũng bằng vôi, chất liệu vốn có khả năng điều chỉnh nhiệt độ.
Điểm đặc biệt nhất của Hawa Mahal là có mặt lưng hướng ra đường. Nó nổi bật nhờ màu hồng rực của sa thạch, cao 5 tầng, trổ nhiều cửa sổ và được trang trí cực kỳ lộng lẫy.
“Hawa Mahal đóng vai trò cung điện cho phép phụ nữ hoàng gia tận hưởng khung cảnh đường phố và lễ hội mà không cần phải bước chân ra ngoài”, Mahendra Khadgawat, Giám đốc Cục Khảo cổ và Bảo tàng bang Rajasthan cho biết.
Thời phong kiến, Hoàng cung Ấn Độ thực hành tập tục purdah. Các quý cô, quý bà thường không ra khỏi cửa và ngay cả khi ở trong nhà, họ cũng dùng phòng có rèm che, bình phong để ngăn cách bản thân với người khác.
Vì thế, khi ở Hawa Mahal phụ nữ Hoàng gia không phải phá lệ purdah mà vẫn nhìn ngắm được cuộc sống bên ngoài từ… mặt lưng. Cộng với kỹ thuật tự điều hòa không khí tinh vi, nó giúp cho cuộc sống của các quý cô, quý bà trong không gian khép kín trở nên thoải mái hơn.
Kỳ công đáng học hỏi
Đến nay, Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất thế giới và vẫn còn là nước nghèo. Với khí hậu thuộc diện rất khô và nóng, nên Hawa Mahal nhanh chóng trở thành mô hình xây dựng kiểu mẫu.
Hawa Mahal nhanh chóng trở thành mô hình xây dựng kiểu mẫu |
Từ năm 2015, khi Ấn Độ bắt đầu dự án Sứ mệnh Thành phố Thông minh quốc gia với mục tiêu khiến cho 100 trung tâm đô thị trở nên đáng sống và bền vững hơn thông qua các giải pháp sáng tạo, toàn diện, Hawa Mahal đã được công nhận là “công trình đi trước thời đại hàng trăm năm”.
Không chỉ Ấn Độ mà cả thế giới đều đang trong tình trạng nóng lên. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trước cuối thập kỷ này, toàn cầu sẽ lắp đặt thêm khoảng 1 tỷ máy điều hòa không khí.
Điều này đồng nghĩa với việc, lượng khí thải CO2 sẽ gia tăng và mục tiêu ổn định khí hậu trở nên xa vời. “Chúng ta nên học hỏi từ kiến trúc truyền thống của Ấn Độ, sau đó biến tấu cho phù hợp với điều kiện từng nơi”, kiến trúc sư Thakkar đề xuất.
Dự trên mô hình của Hawa Mahal, kiến trúc sư Thakkar đã thiết kế và xây dựng một nhà hàng theo kiến trúc này. Một số kiến trúc sư khác, trong đó có Diana Kellogg (Mỹ) ứng dụng hiệu ứng Venturi để xây Trường Nữ sinh Rajkumari Ratnavati (Ấn Độ).
“Các công trình ngày nay có thể tân tiến hơn về công nghệ, nhưng thua xa khả năng tự điều hòa của Hawa Mahal”, kiến trúc sư Thakkar khẳng định. Hiện, “cung điện gió” là một trong các điểm du lịch “nóng” nhất ở Ấn Độ, mỗi năm đều đón hàng triệu lượt khách tới tham quan.