Cúng Tết Đoan Ngọ 2023 vào giờ nào đẹp nhất? Mâm cúng gồm những gì?

17-06-2023 21:00|Quỳnh Chi

Tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch (hay còn gọi là Tết giết sâu bọ) là một trong những ngày lễ tết truyền thống của Việt Nam và một số nước châu Á.

Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ truyền thống được dân ta giữ gìn. Mặc dù không phải ngày lễ lớn như Tết Nguyên Đán nhưng vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, nhiều gia đình dâng lên ban thờ mâm cúng để tỏ lòng thảo kính. Ngày Tết Đoan Ngọ năm 2023 diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, tức thứ năm ngày 22/6 dương lịch.

Tết Đoan Ngọ, còn được gọi là Tết diệt sâu bọ. Trong ngày này, người dân thường sửa soạn mâm cúng dâng gia tiên, không quá phức tạp nhưng vẫn cần những lễ vật cơ bản. Những lễ vật này thường là sản vật đặc trưng của mùa hè với ý nghĩa nhằm xua đuổi sâu bọ phá hoại mùa màng, cầu mong sức khỏe an lành và cuộc sống đủ đầy, ấm no.

Cúng Tết Đoan Ngọ 2023 giờ nào tốt nhất?

Theo quan niệm dân gian, vào ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều người dậy sớm, ngay từ sáng đã ăn cơm rượu nếp hoặc hoa quả như mận, vải để có thể "diệt sâu bọ". Tuy nhiên, ngay từ tên gọi, Đoan Ngọ nghĩa là giữa trưa, bởi vậy, giờ thắp hương đúng nhất nên vào giờ Ngọ, tức là từ 11 giờ đến 13 giờ chiều.

Trường hợp gia chủ không thể sắp xếp thời gian để cúng vào khung giờ trên thì có thể cúng vào giờ Giáp Thìn (7h-9h) hoặc vào giờ Đinh Mùi (13h-15h).

Dù lớn hay nhỏ, dù đơn giản hay phức tạp, mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để đoàn tụ gia đình và mang ý nghĩa to lớn trong văn hóa cổ truyền người Việt. Một mâm lễ nhỏ cũng tượng trưng cho lòng thành đối với gia tiên, cầu chúc những điều tốt đẹp cho gia đình và mùa màng bội thu, no ấm.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ theo từng miền

Không quá long trọng như ngày Tết Nguyên đán hay Tết Thanh minh nhưng Tết Đoan Ngọ cũng là dịp mà mọi nhà đều coi trọng. Vào ngày mùng 5 tháng 5 này, mỗi gia đình đều làm các món quen thuộc dâng cúng gia tiên.

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người dân không dâng lễ mặn như gà hay chân giò, mâm cúng thường có trái cây, hoa tươi và một số phẩm vật đặc trưng trong tiết khí Hạ chí.

Theo truyền thống, mâm cúng dâng lên lễ gia tiên vào ngày Tết Đoan Ngọ gồm các loại trái cây như vải, mận; rượu nếp, bánh gio (bánh ú tro, bánh tro)... Ngoài ra gia chủ còn cần chuẩn bị hương, hoa, vàng mã và cũng tùy vào văn hóa, phong tục của từng vùng miền mà mâm cúng còn có thêm thịt vịt, chè trôi nước nữa.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Bắc

Rượu nếp là món ăn đặc sắc trong ngày này, người xưa tin rằng, rượu nếp có khả năng tiêu diệt sâu bọ trong cơ thể, khiến chúng không thể gây hại trong cơ thể con người nữa.

Đặc biệt tại miền Bắc, món cơm rượu nếp cái hoa vàng bởi không phải nơi đâu cũng có và được ngon như ở miền Bắc, do đó đây là món phải có trong mâm cúng ở miền Bắc. Ngoài ra, ở một số nơi còn có thêm cơm rượu nếp cẩm.

Bánh tro là một loại bánh làm từ gạo nếp đã được ngâm trong nước tro, gói trong lá chuối. Đây là loại bánh dễ ăn, dễ tiêu, mùi vị rất ngon khi ăn cùng với đường hoặc mật. Theo cha ông ta, gạo nếp khi luộc trong lá sẽ hấp thu các đặc tính cây cỏ, giúp giải nhiệt, tiêu bệnh trong cơ thể.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Trung

Ngoài những loại đồ cúng phải có, ở mâm cúng miền Trung có thêm một số món khác như:

- Cơm rượu ở miền Trung được lên men bằng cách cổ truyền, có dạng miếng nhỏ vuông vức, chín mềm từ trong ngoài.

- Thịt vịt: Sở dĩ miền Trung ưa chuộng thịt vịt hơn bởi người ta tin rằng thịt vịt có công dụng làm mát, giải nhiệt cho cơ thể, bổ máu và giúp tiêu hóa tốt hơn. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm thịt vịt ngon và béo nhất.

- Chè kê: Tuy không phải phổ biến với tất cả tỉnh miền Trung, chè kê lại rất được ưa chuộng xuất hiện trong mâm cúng tết Đoan ngọ của Quảng Nam. Chè kê được nấu bằng hạt kê đến khi mềm nhờ, khi ăn rất ngọt và dẻo thơm.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam

Mâm cúng Tết đoan ngọ miền Nam ngoài những loại quen thuộc còn có nhiều món khác như:

- Cơm rượu: Vẫn là cơm rượu nhưng ở miền Nam, cơm rượu được vo thành viên tròn và thêm nước đường vào, ăn giống như xôi chè ở miền Bắc.

- Bánh ú Bá Trạng: Món này tương tự bánh tro nhưng to hơn, được làm từ gạo nếp nhồi thêm nhân, sau đó đi luộc hoặc hấp. Bánh ú Bá Trạng có thể gói bằng lá sen, lá chuối,... và mỗi loại lá sẽ cho bánh một hương vị khác nhau.

- Chè trôi nước: Chè trôi nước ở miền Nam là những viên to tròn làm từ bột nếp trắng với nhân đậu xanh bùi bùi. Trong miền Nam, chè sẽ được ăn cùng nước đường và nước cốt dừa với ý nghĩa sẽ có khả năng diệt sâu bọ tốt.

Ở miền Nam, các gia đình thường chọn mua vải thiều quả đẹp, nhiều lá để trưng trên mâm cúng sẽ đẹp hơn.

Một vài lưu ý khi cúng Tết Đoan Ngọ

- Kiêng vứt giày dép lộn xộn để tránh chiêu dụ tà khí.

- Nên tránh xa bệnh viện, đám ma vì những nơi này âm khí quá nặng, dễ chiêu bệnh tật, tà khí.

- Ở một số vùng miền, người lớn sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc.

- Tránh để rơi tiền trong ngày Tết Đoan ngọ vì khi đó bạn đã đánh rơi tài lộc, khiến vận may đi xuống.

- Nếu ở khách sạn hoặc nhà nghỉ, nên tránh chọn phòng đầu tiên và cuối cùng của hành lang. Hai vị trí này hút năng lượng tiêu cực, dễ khiến cơ thể nhiễm bệnh.

Những điều kiêng kỵ và nên làm để mang lại may mắn trong Tết Đoan Ngọ 2023

Tết Đoan Ngọ vào ngày mấy dương lịch? Những việc cần làm trong dịp Tết Đoan Ngọ

Cấm xe máy vào nội đô Hà Nội năm 2030 – Liệu có khả thi?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cung-tet-doan-ngo-2023-vao-gio-nao-dep-nhat-mam-cung-gom-nhung-gi-188210.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cúng Tết Đoan Ngọ 2023 vào giờ nào đẹp nhất? Mâm cúng gồm những gì?
POWERED BY ONECMS & INTECH