Cuộc đua không khoan nhượng của các cường quốc bán dẫn
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS), đồng tác giả cuốn sách về bán dẫn - nhận định, bản đồ bán dẫn toàn cầu đang được vẽ lại khi cuộc đua mới về đầu tư sản xuất quy mô chưa từng có trong lịch sử đang diễn ra.
Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học: Chiến trường bán dẫn: Tương lai của các trung tâm bán dẫn toàn cầu và ra mắt cuốn sách "Chiến trường bán dẫn: Cạnh tranh chiến lược và tự chủ đổi mới sáng tạo của Trung Quốc thế kỷ 21", diễn ra sáng 29/10 tại Hà Nội.
Cuộc đua không khoan nhượng
Ông Vũ Trọng Đại - Giám đốc CTCP Xuất bản Khoa học và Giáo dục - chia sẻ, ngày 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn - ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu.
Các diễn giả gợi mở về cuộc đua trong công nghiệp bán dẫn ở nhiều quốc gia. |
Chiến trường bán dẫn: Cạnh tranh chiến lược và tự chủ đổi mới sáng tạo của Trung Quốc thế kỷ 21 được xem cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam về chính sách ngành bán dẫn, đưa ra những gợi mở thú vị.
Tác giả cuốn sách là TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS) - và TS. Nguyễn Tuệ Anh - chuyên gia nghiên cứu cao cấp về chính sách công tại Anh.
Chiến trường bán dẫn ra mắt chỉ sau 1 tháng ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam. |
TS. Phạm Sỹ Thành, TS. Nguyễn Tuệ Anh và ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Việt Nam của Tập đoàn Intel - cùng mổ xẻ nhiều thông tin thú vị về ngành bán dẫn xung quanh các chủ đề: chuỗi giá trị ngành bán dẫn và quy trình sản xuất chip, cuộc đua bán dẫn toàn cầu, các xu hướng tự chủ chiến lược về công nghệ...
TS. Nguyễn Tuệ Anh đề xuất xây dựng một hệ sinh thái công nghệ tự chủ. |
Hai tác giả Phạm Sỹ Thanh và Nguyễn Tuệ Anh đã nghiên cứu, vén màn bí mật về cuộc đua không khoan nhượng giữa các cường quốc nhằm kiểm soát một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của thế giới - bán dẫn.
Chiến trường bán dẫn đào sâu cuộc chạy đua giữa các quốc gia, tập đoàn, đặc biệt là hai cường quốc đối trọng Trung Quốc và Mỹ nhằm giành quyền kiểm soát thị trường bán dẫn toàn cầu.
Các tác giả tiếp cận về nghiên cứu chính sách dựa trên 4 trụ cột chính (chính trị, nhân lực, tài chính, công nghệ) đã đưa ra những phân tích hệ thống và cặn kẽ về những chiến lược, chính sách mà Trung Quốc và Mỹ đã áp dụng để xây dựng, củng cố vị thế riêng cho ngành sản xuất bán dẫn.
Vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu
TS. Phạm Sỹ Thành và TS. Nguyễn Tuệ Anh đưa ý tưởng về việc xây dựng một hệ sinh thái công nghệ tự chủ đổi mới sáng tạo, thích ứng được với một môi trường đang ngày càng thay đổi.
Đây là thời điểm mà chúng ta không thể chậm trễ. Ông Phạm Sỹ Thành cho rằng, thế giới đang tiến về phía trước với tốc độ chưa từng có, nếu không nhanh chóng hành động, nếu hành động không hiệu quả, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội để vươn lên.
TS. Phạm Sỹ Thành cho rằng nếu hành động không hiệu quả, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội để vươn lên. |
Bản đồ ngành bán dẫn toàn cầu đang được vẽ lại. Cuộc đua mới về đầu tư sản xuất quy mô chưa từng có trong lịch sử đang diễn ra gay gắt. Tại một số nơi, sự cạnh tranh diễn ra như trên chiến trường với các lệnh cấm, các hoạt động trừng phạt, sự chia tách công nghệ. Ở nhiều nơi khác, sự cạnh tranh giữa các quốc gia đột nhiên trở nên sôi động hơn bao giờ hết nhờ nhu cầu tự chủ chiến lược hoặc tìm kiếm lợi thế cạnh tranh mới.
Ngoài Trung Quốc, các trung tâm bán dẫn khác như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đều nhận ra tầm quan trọng của việc tiến hành đầu tư cho năng lực bán dẫn bản địa như một phần tạo ra tự chủ chiến lược.
Đối với Mỹ, Đạo luật về CHIPS và Khoa học công nghệ đánh dấu việc quốc gia này quay trở lại với việc xây dựng một chính sách ngành dựa trên các công nghệ cốt lõi nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong tương lai.
Việc tìm hiểu về chính sách phát triển ngành bán dẫn từ thực tiễn đa dạng của các quốc gia và vùng lãnh thổ giúp trả lời các câu hỏi thiết yếu cho việc nhận diện bức tranh công nghệ toàn cầu trong thập kỷ kế tiếp, từ đó nhìn ra những cơ hội cũng như thách thức của mỗi quốc gia.
>>Mỹ hạn chế đầu tư vào AI, bán dẫn và công nghệ khác tại Trung Quốc
Mỹ hạn chế đầu tư vào AI, bán dẫn và công nghệ khác tại Trung Quốc
Intel đầu tư 300 triệu USD mở rộng sản xuất bán dẫn tại Trung Quốc