Doanh nghiệp

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết phải bồi thường 7.215 đồng cho mỗi cổ phiếu ROS

Hoàng Ngân 06/08/2024 13:48

Anh em ông Trịnh Văn Quyết phải bồi thường 1.785 tỷ đồng.

Ngày 5/8, Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên án 21 năm tù cho cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết, trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán. Ông Quyết, 49 tuổi, bị xác định là chủ mưu gây thiệt hại nghiêm trọng.

Trong thời gian hơn 2 tiếng đọc bản án, TAND Hà Nội dành phần lớn thời gian nêu phán quyết về phần trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại cho bị hại và các nhà đầu tư cổ phiếu ROS.

Theo bản án, sau 5 lần tăng vốn, nhóm của Trịnh Văn Quyết đã niêm yết 43 triệu cổ phiếu ROS lên sàn HoSE, bán lần đầu cho 25.853 nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng. Các bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt thông qua việc bán cổ phiếu bị nâng khống. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã bán hết cổ phiếu hoặc cổ phiếu bị trộn lẫn sau nhiều lần giao dịch. Cũng có trường hợp nhà đầu tư không không yêu cầu bồi thường vì không biết mình bị lừa.

Cựu Chủ Tịch FLC trịnh Văn Quyết phải bồi thường 7.215 đồng cho mỗi cổ phiếu ROS
Bị cáo Trịnh Văn Quyết

>> Hai em gái của ông Trịnh Văn Quyết lĩnh tổng cộng 22 năm tù

Tòa án xác định rằng do không thể xác định chính xác giá mua bán trong các lần khớp lệnh, các bị cáo phải bồi thường trên giá trị nâng khống của mỗi cổ phiếu. Có 430 triệu cổ phiếu đã phát hành theo vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng của Faros, trong đó giá trị nâng khống là 3.102 tỷ. Như vậy mỗi cổ phiếu ROS được niêm yết phát hành có 72,15% nâng khống.

Mệnh giá cổ phiếu ROS được chào bán trên thị trường khi đó là 10.000 đồng. Do đó trên mỗi cổ phiếu, các bị cáo đã nâng khống 7.215 đồng. "Các bị cáo sẽ phải đền bù 7.215 đồng cho mỗi cổ phiếu bán cho bị hại, nhân với khối lượng cổ phiếu bị hại đang sở hữu", bản án nêu.

Trong 133 nhà đầu tư bị hại, 85 người đã nhận đủ tiền bồi thường từ gia đình ông Quyết. Các bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho 48 người còn lại theo công thức trên.

Tòa án cho phép các bị hại đã bán hết cổ phiếu ROS đã chuyển phần giá trị bị nâng khống cho người mua tiếp theo và các bị hại khác chưa có yêu cầu bồi thường có quyền đề nghị xem xét bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong vụ án dân sự khác.

Bồi thường 5.466 đồng cho mỗi cổ phiếu khống của người liên quan

Tính đến ngày 5/9/2022, khi cổ phiếu ROS bị hủy niêm yết trên sàn HoSE, có 63.075 nhà đầu tư (không bao gồm các bị cáo) đang nắm giữ hơn 567 triệu cổ phiếu ROS. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, có 27.866 nhà đầu tư yêu cầu được bồi thường thiệt hại.

Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận thấy rằng hành vi nâng khống vốn sở hữu của Faros để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã khiến cổ phiếu này bị hủy niêm yết bắt buộc, ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư và tính thanh khoản của ROS. Do đó, các bị cáo phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại này.

Tuy nhiên, do việc mua bán cổ phiếu dựa trên cơ sở khớp lệnh và giá trị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác, không thể buộc các bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền mua cổ phiếu mà chỉ bồi thường phần vốn khống.

Sau khi phát hành 430 triệu cổ phiếu ROS, Faros đã thực hiện thêm hai đợt tăng vốn, đưa tổng vốn điều lệ lên 5.675 tỷ đồng. Sau đợt tăng vốn thứ 7, vốn thật là 2.573 tỷ đồng và vốn khống là 3.102 tỷ đồng. Tỷ lệ vốn khống là 54,66%, tương đương 5.466 đồng trên mỗi cổ phiếu ROS. Các bị cáo phải bồi thường phần vốn khống này.

Tòa cũng xác định rằng các giá trị khác ngoài vốn khống không được bồi thường. Các nhà đầu tư chưa yêu cầu bồi thường có thể yêu cầu trong vụ án dân sự khác. Những nhà đầu tư đã bán cổ phiếu có thể tự thỏa thuận hoàn trả giá trị nâng khống với bên mua, hoặc yêu cầu giải quyết qua vụ án dân sự khác.

Các bị cáo, bao gồm ông Quyết, bà Nga và bà Huế, bị buộc tội thao túng thị trường. Mặc dù có yêu cầu bồi thường thiệt hại từ các nhà đầu tư, Bộ Tài chính kết luận không đủ căn cứ xác định thiệt hại cụ thể. Do đó, không có cơ sở yêu cầu bồi thường cho 5 mã chứng khoán AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Xét theo vị trí, vai trò, ông Quyết bị truy nộp nhiều nhất, tiếp đó là bà Huế, bà Nga. Quá trình điều tra, một số bị cáo tự nguyện nộp lại tổng 570 triệu đồng nên số tiền còn phải nộp ngân sách là hơn 683 tỷ đồng.

Anh em ông Quyết phải bồi thường 1.785 tỷ đồng

Với hành vi Thao túng thị trường chứng khoán ở mã AMD xảy ra trước khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, các bị cáo không bị truy tố ở hành vi này. Công ty chứng khoán BOS để các bị cáo sử dụng tài khoản không đủ tiền và tài sản đảm bảo để thao túng thị trường, thu phí giao dịch bất hợp pháp 42 tỷ đồng (đã trừ đi số tiền từ mã AMD) nên tòa buộc sung công quỹ số tiền trên. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu giữ và các bị cáo tự nguyện nộp tổng 264 tỷ đồng. Tòa tuyên số tiền này cần tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Ông Quyết và bà Huế bị buộc liên đới bồi thường hơn 1.785 tỷ đồng. Trong số 133 bị hại, 85 người đã nhận đủ tiền bồi thường. 48 người còn lại sẽ được bồi thường theo công thức 7.125 đồng cho mỗi cổ phiếu ROS còn đang nắm giữ, tổng hơn 2 tỷ đồng. Còn 27.866 người liên quan có yêu cầu sẽ được bồi thường 5.466 đồng cho mỗi cổ phiếu ROS, tổng 1.783 tỷ đồng. Do đó, tổng số tiền anh em ông Quyết phải liên đới bồi thường là 1.785 tỷ đồng.

Tiền các bị cáo đã nộp (tổng hơn 264 tỷ đồng) được trừ vào tiền các bị cáo còn phải bồi thường. Các tài sản bị kê biên phong tỏa vẫn bị tòa tuyên giữ nguyên biện pháp này, để đảm bảo thi hành án.

>> Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết lĩnh 21 năm tù

Hai em gái của ông Trịnh Văn Quyết lĩnh tổng cộng 22 năm tù

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết lĩnh 21 năm tù

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cuu-chu-tich-flc-trinh-van-quyet-phai-boi-thuong-7215-dong-cho-moi-co-phieu-ros-244465.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết phải bồi thường 7.215 đồng cho mỗi cổ phiếu ROS
    POWERED BY ONECMS & INTECH